Trường cao đẳng Sư phạm chọn hướng nào?

28/05/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cả nước còn hơn 20 trường cao đẳng sư phạm Trung ương và địa phương đang gặp khó khăn, thậm chí ở thế cầm cự khi quy mô đào tạo giảm...

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền trao đổi, chủ trương của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là, khi triển khai sáp nhập phải đảm bảo quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của người học, cán bộ, giảng viên, nhân viên; tránh xáo trộn quá lớn, làm ảnh hưởng đến tư tưởng đội ngũ nhà giáo, người lao động. Việc sáp nhập tài chính, tài sản cần đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công, ngân sách Nhà nước và các quy định có liên quan về đơn vị sự nghiệp công lập.

Viện dẫn Luật Giáo dục năm 2019 quy định, giáo viên tiểu học và THCS phải đạt trình độ đại học trở lên; PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền phân tích, các trường cao đẳng sư phạm không còn được giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên tiểu học trở lên. Thay vào đó, các đơn vị này sẽ thực hiện đào tạo giáo viên mầm non. Điều này khiến quy mô đào tạo sụt giảm và nhiều khó khăn khác. Do đó, việc tìm hướng đi mới cho các trường cao đẳng sư phạm rất cấp thiết.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, các trường cao đẳng sư phạm đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức; thậm chí nhiều trường ở thế cầm cự. Tồn tại hay không trước những yêu cầu của thực tiễn là bài toán cần được giải quyết thấu đáo. Đây cũng là vấn đề mà nhiều trường cao đẳng sư phạm đang loay hoay, lúng túng đi tìm lời giải.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, thực tế các trường cao đẳng sư phạm có thế mạnh riêng. Hệ thống các cơ sở đào tạo được hình thành từ lâu (gần 60 năm) và trực thuộc chính quyền địa phương. Theo đó, các trường được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và THCS, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành Giáo dục địa phương.

Do đó, có thể quy hoạch trường cao đẳng sư phạm thành một khoa, ngành, sáp nhập vào trường đại học của địa phương. Ngoài ra, có thể phát triển trường cao đẳng sư phạm thành các trường đại học đa ngành nếu bảo đảm các điều kiện cần và đủ.

Ở góc nhìn khác, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tán thành với đề xuất của một số trường cao đẳng sư phạm là, có thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm tại trường cao đẳng sư phạm địa phương và 1 năm tại trường đại học sư phạm trọng điểm. Mô hình đào tạo này được nhiều nước áp dụng và xem như giải pháp quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh các vùng khó khăn.

Với hình thức liên kết đào tạo như trên, sinh viên có thể học ngay tại cơ sở đào tạo ở địa phương, vừa giải quyết được việc làm cho đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng sư phạm. Nếu chưa có giảng viên, có thể huy động đội ngũ từ các trường đại học sư phạm đến giảng dạy. Còn với giảng viên của trường cao đẳng có đủ trình độ đào tạo đại học sẽ tham gia vào quá trình đào tạo. Muốn vậy, các trường cần xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch kiểm tra, đánh giá đầu ra đạt chuẩn đại học.

Việc thực hiện sắp xếp lại các trường cao đẳng sư phạm trong hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT; chủ trương đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Sắp xếp lại như thế nào còn phụ thuộc vào thực trạng của cơ sở GD - ĐT và tình hình kinh tế, xã hội từng địa phương. - PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truong-cao-dang-su-pham-chon-huong-nao-post640518.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truong-cao-dang-su-pham-chon-huong-nao-post640518.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường cao đẳng Sư phạm chọn hướng nào?