Nguyên nhân chính của tình trạng nợ lương dẫn đến giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Quảng Nam do các thế hệ lãnh đạo của trường thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính để xảy sai phạm kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.
Đơn cử việc Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đã sử dụng kinh phí vượt so với số lượng tuyển sinh đào tạo trong 2 nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025 hơn 23 tỷ đồng. Bệnh viện Đa khoa trực thuộc trường thực hiện kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần với tổng mức ở giai đoạn 2016 – 2020 hơn 12,1 tỷ đồng; nợ tiền mua thuốc khám, chữa bệnh của đơn vị cung ứng 9,4 tỷ đồng.
Do chậm trễ khắc phục hậu quả, không thể thu hồi phần lớn số tiền sai phạm, tỉnh Quảng Nam đã quyết định khấu trừ vào nguồn thu hằng năm của trường. Cùng đó, giao quyền tự chủ tài chính cho nhà trường để tự đảm bảo một phần chi thường xuyên với mức 91% kể từ năm 2023 – 2025.
Năm 2024, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam được giao 220 chỉ tiêu tuyển sinh ở 2 hệ cao đẳng và trung cấp. Dự kiến, tỉnh sẽ phân bổ cho trường khoảng 10,8 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu kinh phí của trường gần 16 tỷ đồng. Số tiền còn thiếu, nhà trường tự cân đối nguồn thu để đảm bảo chi thường xuyên.
Ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2023, nhà trường thu khoảng 5 tỷ đồng. Nhưng năm 2024, dự kiến nguồn thu từ học phí giảm vì áp dụng chính sách giảm học phí cho sinh viên đang theo học những ngành nghề độc hại, nguy hiểm. Vì vậy, nhà trường kiến nghị tỉnh giao kinh phí theo biên chế hoạt động để không lặp lại tình trạng nợ lương.
Theo phân tích của GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nếu giai đoạn trước đây, các trường đại học bị ràng buộc nhiều về cơ chế, chính sách, hạn chế quyền tự chủ thì nay cơ chế quản trị đại học đã thông thoáng hơn nhiều. Những quy định mà trước đây chỉ có ĐH Quốc gia mới có thì nay mọi trường được phép thực hiện.
“Trước đây khi trường còn hoạt động trong cơ chế được Nhà nước bao cấp thì lãnh đạo nhà trường ít phải lo toan hơn. Trong cơ chế tự chủ, quyền của nhà trường mở rộng nhưng đi kèm với tự chủ là tự chịu trách nhiệm. Tập thể lãnh đạo nhà trường ngày nay phải lo toan tìm kiếm các nguồn lực để đảm bảo cho hoạt động của nhà trường”, GS Bùi Văn Ga phân tích.
Trường Đại học Quảng Bình hiện xây dựng đề án sắp xếp, thành lập, tổ chức lại các phòng và tương đương. Sau đó trường sẽ cơ cấu lại đội ngũ viên chức, tổ chức lại lao động, bố trí số lượng người làm việc tại các phòng, khoa, viện, trung tâm hợp lý theo vị trí việc làm; thực hiện chấm dứt hợp đồng làm việc đối với những viên chức dôi dư hoặc không còn vị trí việc làm so với hợp đồng làm việc đã ký kết theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nhà trường cũng thực hiện phương án tạm hoãn hợp đồng, đợt 1 dự kiến có 7 giảng viên và 14 viên chức hành chính sau khi rà soát công việc trong các đơn vị và giờ dạy.