Trường còn thực hiện đầu tiên chương trình lãnh đạo bản thân trong đội ngũ giáo viên với mong muốn thầy cô đã tốt rồi thì tốt hơn, đổi mới rồi đổi mới hơn. Muốn tạo ra công dân toàn cầu thì giáo viên phải có tư duy của thầy cô giáo toàn cầu… Sau quá trình thực hiện cho thấy giáo viên đã thay đổi tích cực, tính chủ động sáng tạo nâng lên rõ rệt và hoạt động dạy và học thêm hiệu quả…
Thay đổi vì ngôi trường hạnh phúc
Sự chuyển động của thầy cô trong tư duy, phương pháp giáo dục, coi học sinh làm trung tâm của mọi nỗ lực đổi mới bản thân…vô cùng quan trọng để làm nên trường học hạnh phúc.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng mỗi nhà giáo cần tạo cho bản thân những thói quen ứng xử tốt, văn minh, tôn trọng từng cá nhân, bao gồm cả học sinh. Để làm được điều đó, cần nắm chắc một số các nguyên tắc cơ bản trong quá trình dạy học để tạo nên trường học hạnh phúc.
Trước hết, đó là sự kiên trì và khoan dung trước những hành vi thái độ không chuẩn mực của học sinh. Mỗi khi vấn đề nảy sinh, điều quan trọng không phải là giải quyết ngay lập tức mà nên tìm hiểu xem vì sao sai, do sự thiếu hụt nào mà học sinh xử sự như vậy.
Khi giáo viên khi tức giận thường lấp đầy cảm xúc giận dữ, bực tức sẽ khiến thầy cô quên đi rằng học sinh làm điều gì đó không thích hợp có nghĩa các em không được thỏa mãn về mặt nào đó. Thấu cảm và kiên nhẫn là những thái độ mà nhà giáo cần có từ đầu.
Mặt khác, mỗi nhà giáo cần gieo nhu cầu, hứng thú và có phương pháp tổ chức cho học sinh thực hiện các yêu cầu giáo dục. Ngoài những yêu cầu giáo dục chung, giáo viên cũng cần biết kích thích đứng những sở trường cá nhân, những mong muốn của học sinh để từ đó đưa ra những hình thức sinh hoạt tập thể phong phú, bổ ích và thỏa mãn nhu cầu của cả hai bên.
Giáo viên cũng có trách nhiệm giúp học sinh hiểu rõ bản chất sự việc để từ đó lựa chọn cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực của xã hội, nhà trường. Đồng hành cùng học sinh, gips các em hòa nhập tập thể trên tinh thần tôn trọng người khác, tôn trọng tập thể và lợi ích của tập thể, cộng đồng.
Rõ ràng mấu chốt để thay đổi môi trường giáo dục hạnh phúc, giúp học sinh độc lập, vui vẻ, thích đến trường, không sợ học tập… nằm ở sự chuyển biến, thay đổi nhận thức, hành động của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý từ tư duy đến phương pháp giáo dục.