Trường học Việt Nam thời phong kiến có từ khi nào, phân bố ra sao?

Trần Hoà | 18/08/2022, 09:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời phong kiến, trường học phân bố khá đa đạng. Từ cách thức mở trường, nhập học và dạy học luôn chứa đựng những dấu ấn thú vị.

Như vậy, ban đầu hệ thống trường học chủ yếu vẫn chỉ được mở ở triều đình, phục vụ quá trình học tập của con em quan lại và những người giàu có, giáo dục công chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Theo gương nhà Trần, các triều đại phong kiến nước ta sau này đều lần lượt mở rộng hệ thống trường công ở địa phương, phục vụ quá trình học tập đào tạo nhân tài.

Đến năm 1398, Hồ Quý Ly mới là người đầu tiên xem xét chế độ quốc học ở cấp châu huyện, cấp ruộng đất cho các phủ châu, ra quy định cho các Đốc học ra sức dạy dỗ học trò địa phương. Thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), hằng năm triều đình khởi đầu việc phát sách như: Tứ thư, Ngũ kinh, Văn Tuyển, Cương mục… cho các phủ và có giám sát sự học tập của các hạng giám sinh, nho sinh, sinh đồ.

Triều Nguyễn sau đó tiếp nối, nhiều lần tổ chức in ấn và phát sách rộng khắp như năm 1836 ban sách Ngũ kinh, Tứ thư đại toàn, Thi văn tập yếu… gồm 1.170 bộ cho Quốc Tử Giám và học đường. Năm 1846, bộ Lễ và Quốc Tử Giám sửa bản in Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn in tiếp để cấp thêm. Học trò muốn cũng cho đến Quốc Tử Giám để in.

Đa dạng hệ thống trường học Việt Nam thời phong kiến ảnh 3
Văn chỉ - nơi thờ tự Khổng Tử, khuyến khích việc học tập tại làng, xã. (Văn chỉ làng Nguyệt Áng).

Có thầy là có trường

Bên cạnh hệ thống trường công, còn một bộ phận trường tư do dân tự lập. Thời phong kiến, không có quy định mở trường tư nên người nào biết chữ đều có thể mở trường dạy học. Trường sở có thể là nhà của thầy hoặc nhà của một học trò bố mẹ giàu có mời về mở lớp dạy.

Việc học khai tâm cho trẻ em hoàn toàn do các trường tư phụ trách. Nhờ có các trường tư mà việc học tập đã về đến tận các thôn, xóm. Các bậc tựa như “tiểu học” tại các địa phương, triều đình không thường xuyên quan tâm.

Trường tư được mở rất nhiều, gồm cả các trường của nho sĩ chưa đỗ hay do các quan về hưu. Họ đều trở thành những thầy đồ, và thầy đồ nổi tiếng sẽ thu hút được học trò tìm đến. Đến thời nhà Tây Sơn, nhà học ở xã đã được lập và đặt chức quan giảng dụ để dạy học ở xã.

Trong các trường làng, chương trình học đều dựa trên sách vở được quy định và các kinh sách của Nho học, kinh sử, văn tuyển… Tuy nhiên, phương pháp và lộ trình giảng dạy thể hiện tính độc lập tương đối của các thầy đồ và các trường làng.

Về cơ bản, phương pháp dạy của thầy đồ thống nhất chung như lộ trình dạy từ “ấu học và tiểu tập” (dưới 10 tuổi); “trung tập” (10 - 15 tuổi); “đại tập” (15 tuổi trở lên) với các sách vở và khả năng văn tập tương ứng của người học. Nhưng về hình thức cụ thể, mỗi thầy đồ sẽ rất khác nhau và được toàn quyền khi giảng dạy, truyền đạt.

Ngoài những điều cấm kỵ, thầy đồ được quyền chủ động trong mọi hoạt động tổ chức dạy và học. Thậm chí, với một số học sinh tài năng, các thầy đồ có thể tự do xây dựng lộ trình dạy và học phù hợp. Điều này giúp nhiều nho sĩ đỗ đạt từ rất sớm.

Người theo học các trường làng một thời gian khi có nguyện vọng, có thể theo học các trường từ cấp châu huyện trở lên do nhà nước tổ chức. Tuy nhiên, nếu không thể theo học các trường trên, học sinh vẫn có thể tiếp tục học với thầy hoặc tự học chờ ngày kiểm tra, sát hạch.

Thông thường, những học sinh theo học các trường “tuyến trên” được tạo nhiều điều kiện để dự thi các kỳ thi chính thức. Tuy nhiên, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng đã luôn chú ý đến số lượng sĩ tử trường làng.

Bên cạnh các kỳ thi chính thức, các kỳ thi có tính chất kiểm tra chất lượng đã được tổ chức như thi khảo khóa và thi khảo hạch. Đây là các kỳ thi dùng để khảo sát năng lực người học và khuyến khích học sinh có thể yên tâm theo học ở các trường làng và thầy đồ.

Kỳ thi khảo hạch còn chọn người có khả năng được phép đăng ký thi Hương – kỳ thi chính thức để lấy cử nhân. Mục đích chính của các kỳ khảo hạch này để những người có thực học nhưng vì nghèo hay do chỉ theo học trường làng, không có sự che chở hoặc bị bỏ sót có cơ hội được biết đến và dự thi chính thức. Thời nhà Nguyễn, ở các kỳ thi khảo khóa, thí sinh phải ghi thông tin cơ bản trên quyển thi của mình như: Tên họ, sinh quán, lý lịch, tên thầy học…

Như vậy, dù trước hay trong quá trình tổ chức giáo dục của các triều đình phong kiến, hệ thống các trường làng và lực lượng các thầy đồ đã trở thành một nguồn tinh hoa tri thức - đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hoạt động dạy và học. Hệ thống và lực lượng này không chỉ góp phần nâng cao tri thức, mà còn tiếp nhận, truyền dạy, bồi dưỡng và giới thiệu cho nước nhà nguồn nhân lực quan trọng.

Với hệ thống phong phú trường công và trường tư thời phong kiến, môi trường học tập của các nho sinh và của con em nhân dân ngày càng mở rộng. Một tỉ lệ khá đông trẻ em dưới thời phong kiến đều có vài năm cắp sách đi học, biết được một ít chữ Nho, đọc thuộc lòng được một vài câu về đạo làm người.

Bài liên quan
Làng khoa bảng Thổ Hoàng - "lò luyện thi" thời phong kiến
Không chỉ là ngôi làng nổi tiếng khoa bảng với hàng chục tiến sĩ thời phong kiến, Thổ Hoàng còn được ví như “lò luyện thi” khi sĩ tử bốn phương luôn tìm đến để củng cố kiến thức.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học Việt Nam thời phong kiến có từ khi nào, phân bố ra sao?