Giáo dục

Trường học vùng rốn lũ Hà Nội sẵn sàng đón năm học mới

15/08/2024 21:42

Vượt qua khó khăn của trận lụt lịch sử, các trường học trên địa bàn xã Nam Phương Tiến đã trở lại trạng thái bình thường, sẵn sàng đón năm học mới.

Đón học sinh đến trường

Ghi nhận tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) giữa tháng 8/2024, cuộc sống người dân nơi đây đã trở lại bình thường, không còn cảnh nhà cửa chìm trong biển nước, không còn cảnh người dân phải chèo xuồng đi lại.

Vượt qua 12 ngày chìm trong biển nước, các trường mầm non, tiểu học, THCS của các thôn vũng trũng trong xã Nam Phương Tiến đã hoàn thành vệ sinh trường lớp, khử khuẩn, sẵn sàng mọi điều kiện đón hơn 800 học sinh trở lại trường trước thềm năm học mới 2024-2025.

Nhớ về những ngày "sống chung với lũ", cô Kiều Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Phương Tiến A chia sẻ: Kể từ năm 2018, đây là trận lụt lớn chưa từng có đến với người dân xã Nam Phương Tiến.

Trong những ngày nước dâng cao nhất, đi trong sân trường, nước ngập đến quá bụng người, còn ở khu vực cổng trường, nước cao đến 2m. Thuyền, xuồng là phương tiện di chuyển duy nhất đến ngôi trường này.

Là địa bàn vùng khó của huyện Chương Mỹ, trường Tiểu học Nam Phương Tiến A thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ kéo dài gây ra. Trong 9 năm công tác tại trường, cô Hoa đã chứng kiến 3 trận ngập lụt lịch sử vào các năm 2017, 2018 và 2024.

"So với năm 2017 và 2018, năm nay xã Nam Phương Tiến bị ngập nặng nhất, nước dâng cao nhất. Số hộ bị cô lập và ngập là 495 hộ với 2407 nhân khẩu. Nhưng nhờ hệ thống máy bơm hiện đại hơn nên nước chỉ kéo dài 10 ngày, ngắn hơn nhiều so với năm 2018" - cô Hoa nói.

IMG_0072.JPG
Học sinh Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A.
IMG_0187.JPG
Học sinh xã Nam Phương Tiến đã trở lại trường nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

May mắn là khi đỉnh lũ, học sinh Nam Phương Tiến vẫn đang trong thời gian nghỉ hè nên không ảnh hưởng đến việc học tập. Theo kế hoạch năm học, từ giữa tháng 8, sau khi nước rút, hơn 250 học sinh Trường Tiểu học Nam Phương Tiến bắt đầu tựu trường. Ban đầu là học sinh lớp 1, sau đó là các lớp lớn hơn.

Trong những ngày này, ngoài việc rèn nề nếp, thói quen đến trường cho học sinh, các cô giáo còn nắm bắt tình hình, điều kiện cụ thể của từng em để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới.

Chị Nguyễn Thị Thủy, người dân thôn Nhân Lý chia sẻ: Sống ở vùng trũng nên nhiều năm nay, chúng tôi đã dần quen với cảnh ngập lụt và chuẩn bị sẵn tinh thần để ứng phó. Đồ đạc kịp thời sơ tán nhưng mùa màng thất thu, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nên cũng đỡ phần nào nỗi lo trước thềm năm học mới.

IMG_0045.JPG
Giáo viên Trường Tiểu học Nam Phương Tiến sinh hoạt chuyên môn trước thềm năm học mới.
IMG_0004.JPG
Tất cả đã sẵn sàng cho ngày khai giảng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Sau trận ngập lụt năm 2018, trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đã được thành phố, huyện đầu tư xây mới 2 dãy nhà cao tầng, sửa chữa 2 dãy nhà cũ đồng thời mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc học tập của học sinh.

Dù đã có cơ sở vật chất khang trang nhưng điều kiện học tập của học sinh nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ở các thôn vùng trũng của Nam Phương Tiến, người có điều kiện kinh tế đều chuyển đi nơi khác để kiếm sống, chỉ còn lại những người già và gia đình hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp

12 ngày chìm trong nước khiến trường Tiểu học Nam Phương Tiến A chịu thiệt hại nặng nề. Nhà trường bị hỏng 1 bộ loa đài phục vụ cho hoạt động ngoài trời, 1 tivi, 4 bộ máy vi tính, một số bảng đen và trang thiết bị học tập khác. Chiếc trống trường vì hậu quả của mưa lũ đã thủng lỗ chỗ, trống không đủ căng nên tiếng không còn vang.

viber_image_2024-08-15_20-17-37-961.jpg
Cô Kiều Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Phương Tiến A mong muốn có một chiếc trống trường mới thay thế chiếc trống đã quá cũ.

Cô Hoa cho biết, trong những ngày ngập lụt, Ban Giám hiệu cùng cán bộ giáo viên vẫn phải túc trực tại trường vì đây là một cơ quan, phải thường xuyên có mặt để bảo vệ đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Những ngày nước lũ, trường học như một ốc đảo: không điện, không nước, các thầy cô phải nấu mì tôm ăn cho đỡ đói.

Bên cạnh đó, ngay khi nước rút, nhà trường đã huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên phối hợp với các lực lượng dọn vệ sinh, khử khuẩn. Nhà trường sẽ khắc phục khó khăn để đảm bảo việc dạy và học, chuẩn bị mọi điều kiện chu đáo, an toàn để các em học sinh có ngày lễ khai giảng vui tươi, ấm áp.

"Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nhiều học sinh trên địa bàn do kinh tế gia đình chịu ảnh hưởng do ngập lụt nên sách vở, trang thiết bị, đồ dùng học tập còn hạn chế. Tôi mong muốn các đơn vị có lòng hảo tâm giúp đỡ các em để phụ huynh vơi bớt khó khăn trước thềm năm học mới”, cô Hoa tâm sự.

453629555_1528749664742059_5389062140961076157_n.jpg
Thầy Nguyễn Bá Thắng và hình ảnh Trường THCS Nam Phương Tiến những ngày nước lũ.
434376176_1454557915494568_716657290493102635_n.jpg
Thầy Nguyễn Bá Thắng cho biết, Trường THCS Nam Phương Tiến A đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng đón năm học mới.

Tương tự như trường Tiểu học Nam Phương Tiến A, cách đó không xa, Trường THCS Nam Phương Tiến A có sĩ số chưa đến 200 học sinh. Thời điểm này, nhà trường cũng đã hoàn tất việc rà soát cơ sở vật chất để sẵn sàng chào đón năm học mới 2024 - 2025.

“Những ngày mưa lớn kéo dài gây ngập úng khiến nhà trường bị hỏng một số thiết bị như máy bơm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy ở tầng 1. Đến thời điểm này, công tác khắc phục đã hoàn tất. Chúng tôi cố gắng đảm bảo mọi điều kiện để học sinh đón năm học mới thuận lợi và an toàn”, thầy Nguyễn Bá Thắng - Hiệu trưởng trường THCS Nam Phương Tiến A thông tin.

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ, cho biết: Để chuẩn bị đón năm học mới 2024 - 2025, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường rà soát kỹ về cơ sở vật chất, sửa chữa 3 trường học; đặc biệt quan tâm tới 3 trường học vùng ngập lụt để kịp thời có sự hỗ trợ, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh.

Ngay khi mưa lớn kéo dài, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn vùng trũng có sự chuẩn bị, kịp thời di chuyển đồ dùng, trang thiết bị dạy học từ tầng 1 lên tầng 2 để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT phát động quyên góp ủng hộ trong toàn ngành và với riêng từng bậc học để kịp thời hỗ trợ các nhà trường khó khăn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-vung-ron-lu-ha-noi-san-sang-don-nam-hoc-moi-post696832.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-vung-ron-lu-ha-noi-san-sang-don-nam-hoc-moi-post696832.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học vùng rốn lũ Hà Nội sẵn sàng đón năm học mới