Không chỉ khó khăn trong công tác tuyển sinh, công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng vẫn có những cản trở.
Cụ thể như phương án dạy và học online giúp học sinh duy trì việc học tập, đảm bảo thời gian khóa học. Tuy nhiên, phương án này chủ yếu phù hợp áp dụng đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn (kinh tế, kinh doanh, văn hóa, pháp luật....). Trong khi các nội dung thực hành, môn học tích hợp đòi hỏi phải tổ chức giảng dạy tại phòng thực hành, nhà xưởng, khó tổ chức thực hiện đào tạo trực tuyến. Nhất là đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ yêu cầu đến máy móc, công cụ thực tập...
Việc quản lý học sinh, sinh viên học trực tuyến phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác học tập và điều kiện cơ sở vật chất của người học nên các trường gặp khó khăn trong việc kiểm soát tham gia học tập của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, việc giảng dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong các cơ sở GDNN vẫn còn gặp nhiều bất cập. Do hiện nay, các trường vẫn phải liên kết, phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện.
Trước thực trạng trên, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, giai đoạn hiện nay, cả nước bước vào hồi phục kinh tế thì việc sống còn của hệ thống giáo dục nghề chính là công tác tuyển sinh. Hiện, đã có những quy định mềm dẻo hơn về tuyển sinh. Các trường cũng đã có những biện pháp khác nhau để nâng cao công tác tuyển sinh.
Để làm được điều này, việc đầu tiên chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp liên quan đến ngành nghề, quy định quy chế chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa trong công tác truyền thông.
“Hiện mới có dưới 10 sở, ngành ban hành được công tác truyền thông cho giáo dục nghề nghiệp. Chính vì vậy, các tỉnh thành cần phối hợp với các trường xây dựng chương trình cho THPT, THCS thông qua các kênh truyền thông độc đáo như Tiktok, Facebook..., ngày hội tuyển sinh nhằm thu hút học sinh học nghề”, TS Phạm Vũ Quốc Bình nói.
Đồng tình với quan điểm, ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho rằng, khó khăn trong công tác tuyển sinh là vấn đề hiện hữu của nhiều trường. Tuy nhiên, từ thực tế của trường Lào Cai cho thấy, công tác tuyển sinh cao đẳng, trung cấp khó hơn vì học sinh đăng ký đi học nghề ở những vùng kinh tế phát triển đông hơn vùng kém phát triển.
Ngoài truyền thông, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện quản lý học sinh đồng bộ, chính xác bằng các dữ liệu phần mềm để tạo sự minh bạch, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và liên kết với doanh nghiệp.
Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, song song với tuyển sinh thì cần đẩy mạnh chất lượng đào tạo một cách đồng bộ từ hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giáo viên… Từ đó, tạo thuận lợi trong quảng bá, tuyên truyền đến người dân, giúp người dân có cách nhìn mới về giáo dục nghề nghiệp.