Nhìn từ cơ sở, cô Phan Hồng Anh - Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng: Hầu hết học sinh tại trường đều có thành tích học tập xuất sắc, nhiều em tích cực tham gia các phong trào Đoàn, Hội. Tuy nhiên cũng có trò vì bận học nên chưa tham gia các phong trào. Ở đâu đó, phong trào đoàn trong trường phổ thông chưa “chạm” tới học sinh. Vai trò của Đoàn thanh niên trong việc giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng chưa được quan tâm.
Để nâng cao hiệu quả của công tác phát triển đảng trong học sinh thời gian tới, cô Phan Hồng Anh nhìn nhận, tổ chức Đoàn cần tạo sân chơi phù hợp để học trò có cơ hội tham gia. Qua đó, phát hiện, xác định các đoàn viên tiêu biểu để lựa chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn và nâng cao chất lượng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Trong đó, chú trọng giới thiệu đoàn viên ưu tú có thành tích học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn.
Với vai trò của mình, tổ chức Đoàn tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên, tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, đẩy mạnh học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp đoàn viên thanh niên hiểu rõ, củng cố niềm tin với Đảng, tránh hiện tượng “nhạt Đảng, khô đoàn”... Từ đó, đoàn viên nhận thức rõ việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng là để trưởng thành và cống hiến.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh THPT và sinh viên rất quan trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành GD-ĐT. Đó là giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục về ý thức, trách nhiệm công dân, giáo dục về chính trị.
Để triển khai nhiệm vụ này, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, không chỉ ngành Giáo dục, các trường phổ thông, mà phải từ Đảng ủy các cấp, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Thành đoàn Hà Nội... Trong đó, các đồng chí Bí thư cấp ủy, hiệu trưởng nhà trường cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này.
Trong quá trình triển khai, cần song hành 2 mục tiêu về số lượng đảng viên kết nạp mới và tạo nguồn cho giai đoạn tiếp theo. Phát triển đảng viên mới trong trường phổ thông, một mặt phải bảo đảm các quy trình, quy định, không hạ thấp tiêu chuẩn song cần linh động, tạo cơ hội cho các em có điều kiện và mong muốn được tham gia. Trên cơ sở đó, nhà trường lựa chọn, bồi dưỡng và kết nạp những học sinh xứng đáng, có sức hút, lan tỏa.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy mỗi năm mở ít nhất 2 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh theo yêu cầu của các trường THPT. Chương trình bồi dưỡng phải cấu trúc lại để phù hợp lứa tuổi, tâm lý.
Nhà trường cần có kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh, có nghị quyết kết nạp đảng viên là học sinh rõ ràng; Chi bộ cấp trên đánh giá, xếp loại cũng như giám sát việc đưa ra giải pháp và thực hiện của Chi bộ trực thuộc hằng năm. Có như vậy, phát triển đảng trong trường phổ thông mới toàn diện, song hành cả số lượng và chất lượng.
Từ năm 2015 - 2020, Đà Nẵng có 6 học sinh THPT được kết nạp vào Đảng. Trong khi đó, chỉ trong năm học 2021 - 2022, Quảng Nam kết nạp 32 đảng viên mới khi đang là học sinh THPT. Chỉ tính riêng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) đã có 18 học sinh được vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.