Cô Nguyễn Thị Thược - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3. Tổ chuyên môn đã thực hiện tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong toàn ngành và xã hội về chương trình mới.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học trước. Chỉ đạo công tác rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3 đã được chuẩn bị cơ bản.
Cũng theo cô Thược, năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Hải Phú có 167 học sinh lớp 3, biên chế 5 lớp. Đội ngũ giáo viên dạy lớp 3 ổn định, đủ số lượng đã được tập huấn đầy đủ Chương trình GDPT 2018 và chương trình SGK lớp 3. Cơ sở vật chất chất nhà trường đảm bảo, các phòng học lớp 3 có đủ bàn ghế 2 chỗ ngồi, có thiết bị hỗ trợ dạy học như Ti vi. Học sinh có đủ bộ đồ dùng các môn học lớp 3 theo quy định.
Nhà trường đã nghiêm túc triển khai thực hiện chương trình lớp 3 và dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ rút kinh nghiệm các tiết dạy. Chỉ đạo khối lớp 3 thường xuyên trao đổi thảo luận trong tổ, nghiên cứu học liệu điện tử tìm ra phương pháp dạy học các môn học đạt hiệu quả theo chương trình SGK mới.
Ngoài ra, khối lớp 3 luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của BGH nhà trường, Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu, chính quyền địa phương. Giáo viên trong khối nhiệt tình, năng động, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn vững vàng. Luôn học hỏi để từng bước hoàn thiện nhiệm vụ được giao.
Ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm và ủng hộ đến việc thực hiện chương trình thay SGK mới. Cơ sở vật chất tương đối đầy đủ phục vụ tốt cho việc dạy học lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018.
Nhà trường đã tổ chức thực hiện lựa chọn SGK lớp 3; họp, đánh giá, lựa chọn SGK lớp 3 theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 01/2021 của Bộ GD&ĐT. Phối hợp với các Nhà xuất bản có SGK lớp 3 được lựa chọn thực hiện các nội dung liên quan. Giáo viên lớp 3 được dự hội thảo về giới thiệu sách lớp 3, tập huấn giáo viên sử dụng sách…
Tuy nhiên, nhà trường vẫn còn một số khó khăn nhất định. Chương trình môn Tiếng Việt được xây dựng trên cơ sở định hướng tiếp cận năng lực và có một số nội dung mới nên giáo viên gặp một số khó khăn ban đầu về chuyên môn. Việc sử dụng ngữ liệu điện tử, các phương tiện hỗ trợ dạy học đôi khi còn gặp khó khăn như đường truyền mạng kém, mất điện…
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ năm lớp 1 và lớp 2, các em học trực tuyến nhiều. Giáo viên chủ yếu chú trọng dạy học kiến thức trọng tâm, cốt lõi cộng với thời gian nghỉ hè nên khi học sinh bước vào lớp 3 khó khăn trong việc tổ chức lớp học, xây dựng nền nếp học tập, sinh hoạt cũng như ôn lại kiến thức mất nhiều thời gian.
Ngay từ đầu năm học, tổ chuyên môn đã tổ chức cho giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục môn học đảm bảo mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình GDPT 2018, phù hợp điều kiện thực tế.
Giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy môn học chi tiết đối với tất cả các tiết học. Xác định các năng lực chung, năng lực đặc thù cần đạt cho học sinh. Từ đó, lựa chọn các phương pháp phối hợp dạy học tích cực để sử dụng hiệu quả trong các tiết học.
Trong năm học vừa qua, các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn các môn học được gắn với từng dạng bài, đặc biệt là các dạng bài mới để giáo viên rõ phương pháp, tiến trình tổ chức các hoạt động dạy học.
Sau một năm triển khai chương trình SGK mới với lớp 3, giáo viên đã được làm quen với phương pháp dạy học các môn học; bước đầu vận dụng sáng tạo phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, dạy học phân hóa thông qua từng bài học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Thực hiện đánh giá, khen thưởng học sinh tiểu học tại Thông tư số 27/2020 của Bộ GD&ĐT đối với lớp 3.
Với học sinh, các em đã chủ động tích cực hơn khi tham gia các hoạt động học ở tất cả các môn học. Các năng lực và phẩm chất của học sinh được hình thành và phát triển tốt hơn. Các em được làm việc nhiều hơn, được trải nghiệm, khám phá qua vốn sống thực tế hàng ngày.
Học sinh hứng thú tham gia các hoạt động học tập, giờ học diễn ra nhẹ nhàng. Các em đọc thông viết thạo, tốc độ đọc khoảng 70 – 80 tiếng trong 1 phút, tốc độ viết khoảng 65 – 70 chữ trong 15 phút. Đảm bảo được các yêu cầu trong từng kỹ năng đọc, viết, nói và nghe.
Trên cơ sở thực tế trên, nhà trường mong muốn các cấp lãnh đạo tạo điều kiện về kinh phí mua sắm đồ dùng dạy học, cung cấp các video, bài giảng E-Learning để giáo viên tham khảo, ứng dụng trong quá trình giảng dạy Tiếng Việt đạt hiệu quả cao hơn.