Với mô hình trường học nông trại được thực hiện ở một số trường vùng cao, nơi có học sinh dân tộc bán trú đã giúp các em có cơ hội được học, cùng nhau làm việc để học những điều liên quan mật thiết đến cuộc sống. Bên cạnh sự giúp đỡ hướng dẫn và cổ vũ của thầy cô giáo, cha mẹ và cộng đồng các em đã lĩnh hội được kiến thức cũng như thực hành nghề chăn nuôi, trồng trọt…
Thầy Nguyễn Tiến Công cũng chia sẻ: Điều đặc biệt từ khi triển khai thực hiện mô hình trường học nông trại, nhiều học sinh đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng đóng góp cho sự phát triển của mô hình.
Ví như em Lò Văn Đức, lớp 4 Trường Tiểu học Bản Sen đã đề nghị dùng con dê ăn cỏ thay dao cắt cỏ trên sân trường; Em Lưu Thị Huệ, lớp 3 đề nghị làm máng đựng phân dạng ngăn kéo dưới chuồng chim bồ câu để vừa dễ lấy phân vừa giữ vệ sinh.
Vườn su su trĩu quả giúp nhà trường có thêm kinh phí hỗ trợ học trò. |
Đến nay mô hình trường học Nông trại của trường TH Bản Xen đã được đánh giá là mô hình giáo dục kết hợp hài hòa giữa học kiến thức nhà trường và học kiến thức có từ cha mẹ, cộng đồng.
Đặc biệt mô hình này đã và đang được các trường PTDTBT Tiểu học và các trường thuộc vùng nông thôn trong tỉnh Lào Cai có diện tích đất rộng quan tâm và thực hiện. Sản phẩm mô hình sẽ cung cấp nguồn rau sạch, thực phẩm sạch cho các bữa ăn của học sinh bán trú.
Và hơn cả, các em có được ít nhiều kinh nghiệm thực tế để khi học xong chương trình phổ thông, ra cuộc sống sẽ không bỡ ngỡ với những công việc thường nhật của gia đình. Các em có thể hỗ trợ tích cực cho gia đình ngoài sức lao động còn có cả kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tăng gia sản xuất…
Có thể khẳng định, với mô hình trường học nông trại, nhà trường không chỉ huy động được sự tham gia của giáo viên trong việc hướng dẫn học sinh các kiến thức chăn nuôi, trồng trọt; lao động sản xuất mà bản thân giáo viên và học sinh trong quá trình tham gia cũng sáng tạo, linh hoạt khi áp dụng những kiến thức trên sách vở vào thực tế.
Những bữa liên hoan với thực phẩm do chính giáo viên, học sinh tăng gia sản xuất. |
Đặc biệt, thành quả từ lao động sản xuất chăn nuôi trồng trọt được tạo ra sẽ thiết thực đóng góp vào quá trình giáo dục, chăm sóc thể chất học sinh toàn diện qua bữa ăn bán trú.
Dạy kiến thức là nhiệm vụ quan trọng song dạy kĩ năng sống để các em trở về cuộc sống có thể ứng dụng giúp đỡ gia đình cũng vô cùng cần thiết. Đổi mới, sáng tạo trong giáo dục đích cuối không chỉ là kiến thức trên sách vở mà còn giúp học sinh thu nhận được nhiều kĩ năng cuộc sống và ứng dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn đạt hiệu quả, thành tựu...