Trồng người

Trượt lớp 10, phải đi giúp việc, bà mẹ ở Hà Tĩnh nhận cái nhìn "khinh khỉnh" khi về họp lớp: Cái kết ấm lòng

Hiểu Đan, 24/06/2024 13:18

Những dòng chia sẻ tâm huyết của bà mẹ nhận về nhiều sự ngưỡng mộ và đồng cảm.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, Hà Nội có gần 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Đây được đánh giá là kỳ thi có sự cạnh tranh khốc liệt, khi chỉ khoảng 60% thí sinh sẽ trúng tuyển vào các nguyện vọng công lập tương đương hơn 80.000 em. Còn lại khoảng hơn 50.000 em không đỗ, phải theo học trường tư hoặc trường nghề.

Theo lịch, từ ngày 6/7 đến ngày 9/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 tại các trường. Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn, rất nhiều cha mẹ rôm rả bàn phương án dự phòng nếu con trượt công lập. Một trong những phương án được để xuất là cho con học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGGTX).

Nhằm chia sẻ thêm một góc nhìn khác cho cha mẹ, một phụ huynh ở Hà Tĩnh mới đây chia sẻ câu chuyện của bản thân mình. Bà mẹ này cho biết, chị thấy bố mẹ nào cũng lo lắng con trượt không biết học ở trường nào. Không ai không muốn con được học trường tốt, lớp tốt cả nhưng vì xã hội ganh đua quá đông không thể đạt mục đích. Học dân lập tốn kém nhiều nhưng cũng không mấy ai mặn mà cho con học TTGGTX.

Phụ huynh này chia sẻ thời xưa bản thân chị trượt hệ A, nhà 6 con nghèo, phải chấp nhận đi giúp việc có tiền về năm sau đi học tiếp. 10 ngày sau khi biết điểm thi có người đến hỏi đi Hà Nội bế em không? Chị nhanh nhảu đồng ý, vì có họ hàng nên cha mẹ đồng ý cho đi. Ra ở được 3 tháng chủ nhà thấy chị ngoan ngoãn, bàn ở lại cho đi học ban đêm, ngày bế em, làm việc nhà.

Chị cố gắng học hành xong cấp 3, được cô chú xin cho đi học trung cấp Y rồi xin việc đi làm vào cơ quan nhà nước. 19 năm đi làm, chưa một ai hỏi chị học cấp 3 trường nào. Chị nhận định, học sinh bây giờ còn được học luôn trường nghề nên rất tốt, ai có năng lực vẫn thi đại học bình thường.

"Ngày đi họp lớp 9, vừa mới đến, trong mắt những đứa học giỏi hơn mình vẫn khinh khỉnh, có đứa buột mồm nói, mi ngày xưa ngơ ngơ giờ khác thế? Ngồi tâm sự 1 lúc chúng nó lại trố mắt ngạc nhiên: 1 đứa học trung bình giờ lại có cuộc sống ổn định, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn. Thấy bảo đứa giỏi nhất ở ngoại thành làm gì chẳng rõ, thấy nó vất vả lắm ít về quê, đứa giỏi nhì nhất giờ ở nhà nuôi con vì nó đẻ 3, 4 đứa nhà chồng có công ty... Giờ mỗi dịp về quê mình đều đến nhà cô chủ nhiệm lớp 9 thăm cô. Cô bảo cả lớp có mỗi mình nhớ đến cô, còn các bạn khác lâu lắm cô không gặp.

Cô bé giúp việc năm xưa hiện có 1 anh chồng hiền lành, tâm lý, 2 con tạm gọi là ngoan ngoãn, tự giác, học không siêu như con nhà người ta nhưng mình rèn nếp tự học... Nhờ tính chăm chỉ, chịu khó siêng năng với nghề tay trái, tay phải, năm 2022 mình mua được nhà lên phố ở", bà mẹ chia sẻ.

Bà mẹ mong mọi nhà lựa chọn con đường học hành cho con được nhẹ nhàng, êm ấm, đừng tạo áp lực quá khổ cả bố mẹ lẫn con cái. Con đường học hành còn dài, đi như thế nào lại là do đôi chân và nỗ lực mỗi người 1 khác.

Bây giờ chị rèn luôn con chị việc học là học thực chất, học tự giác tự lo, không được ỉ lại bố mẹ, sau này con thi vào 10 cũng phải chấp nhận nếu thi trượt công lập thì học dân lập gần nhà hoặc bổ túc như mẹ.

Học ở đâu không quan trọng, quan trọng nhất là nỗ lực của bản thân

Những dòng chia sẻ tâm huyết của bà mẹ nhận về nhiều sự ngưỡng mộ và đồng cảm. Học ở đâu không quan trọng, quan trọng nhất là bản thân có thấy hạnh phúc không. Tuy nhiên, xuất hiện không ít ý kiến cho rằng, không phải ai cũng được như chị. Dù ít tuổi nhưng vẫn chăm, ngoan đi làm giúp việc cho nhà khác; Gặp được nhà chủ quá tuyệt vời, coi như quý nhân; Sau này là chị không ngại nghèo, không ngại khổ.

Với tính cách như vậy thì học ở đâu chị cũng sẽ thành công vì đấy là bản năng, tính cách, cội nguồn con người chị. Còn TTGDTX là môi trường của học sinh yếu, nhiều "tệ nạn", chuyện cha mẹ tránh cho con vào học ở đây cũng là điều dễ hiểu.

Dù vậy, vẫn có người phản biện, loại hình GDTX đã thay đổi rất nhiều, không còn là manh chiếu dưới chuyên đón nhận những học sinh yếu kém, quậy phá, lớn tuổi… Nhiều trường hợp học rất tốt vẫn chủ động chọn GDTX. Ở vài trung tâm dễ dàng tìm ra những gương mặt ưu tú đang theo học loại hình này.

Tại TP.HCM, không ít em từ bỏ trường công lập, chọn học GDTX vì ngoài chương trình học nhẹ nhàng, ít môn còn có ưu điểm không đặt nặng thành tích, người học không bị áp lực đè nặng.

Thái độ của cha mẹ đối với việc thắng và thua ảnh hưởng đến tương lai của trẻ

Khi con còn nhỏ, chúng không biết cách đối mặt với "được, mất, thắng, thua", thái độ của cha mẹ về cơ bản quyết định thái độ của con, đồng thời cũng quyết định cách đánh giá, nhận thức và hình mẫu tương lai của con về bản thân.

Có thể nhiều phụ huynh đã trải qua các tình huống sau: Khi con được điểm cao, cha mẹ mừng rỡ, tâng bốc và khoe khắp nơi. Một khi kết quả không đạt yêu cầu, những đứa trẻ sẽ tha hồ hứng chịu mắng mỏ, thậm chí đánh đòn. Cho dù cố gắng thế nào, chỉ cần một kỳ thi không như mong muốn, những thành tích và nỗ lực của trẻ trước đó cơ bản đều bị phủ nhận. Áp lực tâm lý quá lớn khiến trẻ càng sợ thất bại và lo cha mẹ thất vọng, từ đó đẩy mình đến bờ vực của sự trầm cảm.

Mỗi đứa trẻ có những năng khiếu và thế mạnh khác nhau. Có người học hành thành tài nhưng cũng có người giỏi bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, sau này trở thành huấn luyện viên thể thao và kiếm được rất nhiều tiền. Con cái không thể làm vừa lòng cha mẹ về mọi thứ. Là cha mẹ, chúng ta không thể định nghĩa con cái theo tiêu chuẩn của người lớn. Ngay cả khi một đứa trẻ hiện tại không thể hiện tốt ở một khía cạnh nào đó cũng không có nghĩa là nó sẽ bế tắc trong tương lai.

Một nhà tâm lý từng nói: "Trẻ em không chỉ được dạy cách chiến thắng mà còn cả cách thua một cách đẹp mắt". Thật ra, khi một đứa trẻ tham gia bất kỳ cuộc thi hay kỳ thi nào, việc thua cuộc không có gì đáng sợ, nhưng điều khủng khiếp nhất là mất đi sự tự tin và nhiệt huyết để chiến đấu trở lại. Để mọi đứa trẻ đều có cả dũng khí đứng trên đỉnh cao và sự kiên cường khi rơi xuống vực sâu, điều này chắc chắn không thể thiếu sự đồng hành và định hướng của cha mẹ.

Bài liên quan
Kỳ thi vào lớp 10: Thay đổi cách dạy, học đáp ứng yêu cầu đổi mới
Ngày 29/8, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trượt lớp 10, phải đi giúp việc, bà mẹ ở Hà Tĩnh nhận cái nhìn "khinh khỉnh" khi về họp lớp: Cái kết ấm lòng