Theo TS. Lê Y Linh, âm nhạc có 2 phần, nội dung và hình thức. Nội dung âm nhạc của Hoàng Vân và các nhạc sĩ cùng thời được nhấn mạnh, nhưng hình thức, kỹ thuật sáng tác ít được nói đến, cũng ít được công chúng quan tâm. Việc biết tại sao bài hát hay sẽ giúp công chúng hiểu hơn về âm nhạc. Đó cũng là điều TS. Lê Y Linh mong muốn: “Giá trị của nghệ thuật âm nhạc là giá trị cho muốn đời sau”.
Là người đã từng thực hiện nhiều cuộc gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Hoàng Vân, Nhà văn Trương Quý khẳng định: “Viết về một tác giả âm nhạc từng có ảnh hưởng to lớn đến thẩm mĩ công chúng nhiều thập niên, cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau” là một nỗ lực khắc họa chân dung con người sáng tạo ở phương diện làm rõ các thao tác ‘nhà nghề’ một cách dễ cảm thụ nhất đối với đại chúng. Người nghe đã thuộc lòng những bài hát vô cùng nổi tiếng của Hoàng Vân sẽ có mong muốn được biết điều gì đã khiến nhạc sĩ bền bỉ viết nên chúng, những âm điệu của một thời rắn chắc như thép nhưng cũng mềm dẻo như lụa”.
Còn theo nhạc sĩ Quốc Trung, Hoàng Vân không phải là một người viết ca khúc mà là một người soạn nhạc. Những ai muốn đi tìm giá trị đích thực của một thời hoàng kim, đỉnh cao về nghệ thuật trong âm nhạc Việt Nam mà Hoàng Vân và một số đồng môn đương đại của ông đã xây dựng nên phải tự đặt ra trước hết là mục tiêu ‘hiểu’ những giá trị nghệ thuật ấy. Và nhiệm vụ là phải biết phát huy được những thành tựu đó. Bởi thành tựu mà chỉ liệt kê để trong bảo tàng hay thư viện, không phát huy để phục vụ tương lai âm nhạc của nước nhà, thì liệu chữ ‘thành tựu’ đã đủ ý nghĩa hay chưa?
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, giới trẻ ngày nay nghĩ âm nhạc đơn giản lắm, với sự hỗ trợ của công nghệ thì việc tạo ra một bản nhạc không có gì là khó nhưng để hiểu về giá trị nghệ thuật thì không dễ. Do vậy, cần có những tác phẩm như “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau” để lan tỏa những giá trị nghệ thuật tốt đẹp, giúp cho lớp trẻ thấy được những giá trị được gọi là di sản âm nhạc của Việt Nam”.