Theo kế hoạch, từ năm học 2022 - 2023, các trường sẽ áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Tại khung này, mức trần học phí tất cả khối ngành đại học tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, để giảm áp lực tài chính cho sinh viên, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị mức tăng học phí của trường công lập thực hiện tự chủ nên ở mức 2-2,5 lần mức trần của trường chưa tự chủ.
Thực tế, học phí gây sự chú ý như ĐH Luật TPHCM vừa qua không phải học phí hệ đại trà, mà là hệ đào tạo khác (thỏa thuận dịch vụ). Điều này theo PGS.TS Trần Hoàng Hải- quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, xuất phát từ một số thông tin dẫn giải chưa đúng bản chất, khiến cho học phí của trường bị hiểu sai.
PGS.TS Trần Hoàng Hải nhìn nhận, muốn chất lượng giáo dục tốt thì buộc phải gia tăng chi phí đầu tư. Theo ông, mức đầu tư tính trên đầu sinh viên của Việt Nam hiện là khá thấp so với khu vực.
“Mức học phí mới được trường công bố từ năm 2022 đến năm 2026 theo khung của Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Học phí hơn 31 triệu/năm nghe qua thì thấy lớn nhưng tính theo tỷ suất đầu tư không nhiều/sinh viên.
Riêng với chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh có mức học phí 165 triệu đồng/năm và tăng đến 219,7 triệu đồng/năm vào năm 2026 là chương trình mà trường hướng đến đào tạo sinh viên ngành luật chuẩn quốc tế. Sinh viên có nhu cầu thì đăng ký học.
Chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, mời các giảng viên quốc tế nên chi phí rất cao. Chưa kể, học phí chương trình này bao gồm nhiều khoản khác như đưa sinh viên ra nước ngoài kiến tập, tổ chức lớp học ngoại khóa, trang bị cơ sở vật chất hiện đại trong lớp học. Mục tiêu của trường mở chương trình này để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành luật”, PGS.TS Trần Hoàng Hải nói.
Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, khi cơ chế thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ trong phần lớn các trường chưa tốt, nhất là với trường thuộc khối Khoa học xã hội, Khoa học cơ bản, thì gánh nặng tài chính vẫn phải dựa trên học phí.
Nguồn thu của trường đại học sau khi chuyển sang tự chủ 60-70% vẫn đến từ học phí. Đây cũng là “bài toán” đang khiến nhiều trường đau đầu.
TS Trần Đình Lý cho rằng, nếu không có cơ chế để có nguồn thu khác thì sức ép chi phí sẽ khiến các trường buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí. Đây là hệ lụy có thể nhìn thấy qua từng năm, từ chính cơ chế học phí.
Để giảm áp lực học phí cho sinh viên khó khăn, các đơn vị xây dựng cơ chế hoạt động và mức học phí mới đều tính toán các giải pháp, nguồn quỹ để hỗ trợ cho sinh viên gặp khó khăn về tài chính. Đơn cử như ĐHQG TPHCM ngoài quỹ tín dụng vay vốn học tập lãi suất 0%, đơn vị còn có các nguồn lực lớn hỗ trợ từ doanh nghiệp như học bổng tài năng, học bổng doanh nghiệp…
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết, hằng năm nhà trường đều phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp triển khai các gói chính sách hỗ trợ cho sinh viên. Dự kiến, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, trường sẽ dành khoảng 45 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn.