Gương sáng

Từ công nhân trại nuôi gà đến sinh viên đại học quốc tế

22/04/2025 15:44

Từng phải kiếm tiền bằng cách phụ bê điều hòa, soi trứng ở trại nuôi gà, Tỉnh đổi đời nhờ học bổng toàn phần từ Đại học RMIT.

Hôm 10/4, Hà Viết Tỉnh, 27 tuổi, rạng rỡ trong lễ tốt nghiệp của Đại học RMIT Việt Nam. Một tay ôm hoa, tay còn lại cầm tấm bằng cử nhân loại khá ngành Kinh doanh, chàng trai đến từ xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, rưng rưng khi cuối cùng, ước mơ tốt nghiệp đại học cũng thành hiện thực.

"Nếu gặp tôi vài năm trước khi còn đi làm công nhân, không ai nghĩ tôi có được hôm nay", Tỉnh nói. "Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình có thể đi xa được như vậy".

i1-vnexpress.vnecdn.net-2025-04-21-_489827253-2709162356141079-286-8946-7866-1745228392.jpg
Hà Viết Tỉnh trong ngày tốt nghiệp Đại học RMIT. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tỉnh kể lớn lên trong đói nghèo và những trận đòn vô cớ của bố khi ông say rượu. Cái đói làm Tỉnh thấp bé hơn nhiều so với bạn bè, còn hoàn cảnh gia đình khiến cậu tự ti, nhút nhát và ngại giao tiếp.

Sau vài lần suýt phải nghỉ học vì nhà không có tiền, Tỉnh tốt nghiệp THPT năm 2017. Nhìn bạn bè vào giảng đường đại học, Tỉnh tủi thân nhưng nhận thức hoàn cảnh hiện tại không cho phép mình học tiếp. Cậu bắt đầu đi làm.

Công việc đầu tiên của Tỉnh là hỗ trợ bê điều hòa cho thợ lắp đặt, sửa chữa. Nhỏ người, sức yếu, Tỉnh chật vật với những thiết bị nặng cả chục kg trong thời tiết nắng nóng. Nhiều lần, Tỉnh bị mắng yếu đuối và không hoàn thành việc một cách chỉn chu. Cố được hai tháng, cậu xin nghỉ, về làm cho một trang trại nuôi gà ở quê. Lần này, việc của Tỉnh là cho gà ăn, phân loại trứng, đóng gói sản phẩm, thu nhập khoảng 8 triệu đồng một tháng.

Xác định không thể làm ở trại gà quá lâu, Tỉnh gom góp tiền, đi học một khóa dạy nghề tiếp thị, bán hàng, rồi làm nhân viên ở một công ty nước giải khát. Biết rụt rè là điểm yếu, Tỉnh chọn công việc này để thay đổi bản thân, mỗi ngày kiên trì tới các cửa hàng tạp hóa, quán game, phòng gym để chào mời sản phẩm.

Tỉnh có thu nhập cao hơn, khoảng 12 triệu đồng một tháng. Cậu dành hơn một nửa để trang trải sinh hoạt cho cả nhà, còn lại tiết kiệm. Sau gần một năm, Tỉnh trả được món nợ gần 40 triệu đồng mẹ vay khi sửa nhà từ gần chục năm trước.

Song song đó, Tỉnh tự học tiếng Anh, nhìn nhận biết ngoại ngữ sẽ có nhiều cơ hội hơn. Cậu chủ yếu tự học vào bằng cách tự nói chuyện vào mỗi tối, cuối tuần lại lên Hồ Gươm "săn Tây".

Năm 2020, Tỉnh biết tới học bổng "Chắp cánh ước mơ" của Đại học RMIT qua REACH - một tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ dạy nghề cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Có hai điều kiện cần là biết Tiếng Anh cơ bản, cùng điểm trung bình bậc phổ thông trên 8, Tỉnh làm hồ sơ trong sự khích lệ của mọi người, nhưng không nghĩ sẽ "tới lượt mình".

Ngày nhận thư trúng tuyển, Tỉnh vừa giao xong một đơn hàng. Chậm rãi đọc từng dòng thông báo, Tỉnh mừng rỡ hét lên, khoe với mọi người ở kho: "Cháu sắp được đi học rồi". Học bổng bao gồm toàn bộ học phí trong bốn năm, tương đương 1,5 tỷ đồng, cùng 11 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng, thêm một số khoản phụ cấp. Cuộc đời của Tỉnh bước sang một trang mới.

i1-vnexpress.vnecdn.net-2025-04-21-_photo-4-1662754503904152757248-1825-8869-1745228392.jpg
Tỉnh lên Hồ Gươm luyện giao tiếp tiếng Anh, tháng 12/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm đầu tiên, Tỉnh phải học Tiếng Anh và một số kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm. Anh chính thức bước vào chương trình cử nhân từ cuối năm 2021.

Tỉnh không ở trọ để tiết kiệm. Hàng ngày, anh dậy lúc 5h để kịp đi chuyến xe bus sớm nhất, từ Chương Mỹ tới bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), rồi bắt chuyến xe thứ hai để tới trường nằm ở quận Ba Đình. Quãng đường đi học mỗi ngày của Tỉnh là gần 70 km, tốn khoảng 3-4 tiếng di chuyển.

Thời gian đầu, Tỉnh thấp thỏm và mặc cảm khi bạn học thường đến từ những gia đình có điều kiện. Anh không biết họ sẽ nhìn mình thế nào và liệu bản thân có thể hoà nhập với môi trường học tập quốc tế hay không. Nhưng trái với lo lắng đó, bạn học dành sự ngưỡng mộ, tôn trọng khi biết tới câu chuyện của anh và chủ động giúp đỡ.

Ngoài ra, Tỉnh "choáng" với lượng kiến thức phải học, lại hoàn toàn bằng tiếng Anh. Biết mình có xuất phát điểm thấp, Tỉnh xác định phải dành tối đa thời gian cho việc học. Anh thường tranh thủ đọc sách, xem lại bài trên xe bus, buổi tối làm bài tập và chuẩn bị trước bài cho hôm sau. Nếu vẫn còn thắc mắc, Tỉnh sẽ hỏi bạn hoặc xin gặp giảng viên sau giờ học.

Kinh nghiệm tích luỹ từ những năm đi làm giúp Tỉnh bạo dạn, năng nổ và cởi mở hơn. Anh cũng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, từng giữ vị trí Đại sứ sinh viên và là thành viên chủ chốt của RED - cộng đồng sinh viên tình nguyện của RMIT.

Muốn tận dụng mọi cơ hội và trải nghiệm có được từ học bổng, tháng 7/2023, anh tới Australia để học tại trụ sở chính của RMIT. Lúc mới sang, Tỉnh không nghe được vì thầy nói quá nhanh. Nhưng nhờ ở cùng nhà với một sinh viên bản địa, khả năng nghe hiểu của anh được cải thiện nhanh chóng.

Trong một năm ở Australia, dù vẫn được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, Tỉnh làm thêm 3-4 việc một lúc như rửa chén, phục vụ tại nhà hàng, quán cà phê vì mức sống đắt đỏ ở thành phố Melbourne. Bù lại, anh thấy mình học được cách quản lý thời gian, kỹ năng làm việc độc lập cùng khả năng quan sát, học hỏi xung quanh.

Nhờ chi tiêu tiết kiệm, khi trở về Việt Nam để hoàn thành học kỳ cuối cùng, Tỉnh tự mua được chiếc xe máy đầu tiên trong đời để đi thực tập tại EY Việt Nam - thành viên một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big 4). Anh một lần lữa thử thách mình ở lĩnh vực mới, khi học về Kinh doanh nhưng ứng tuyển ở mảng thuế xuất nhập khẩu.

Sau hơn ba tháng ở EY, Tỉnh cải thiện khả năng nghiên cứu, đọc tài liệu vì thường xuyên phải tiếp xúc với các quy định, điều lệ. Anh cũng tâm đắc với những kỹ năng văn phòng như excel, lên hợp đồng, sắp xếp các buổi làm việc giữa khách hàng và doanh nghiệp... mà mình học được.

Khi kết thúc thời gian thực tập, Tỉnh không tìm cơ hội ở lại công ty, mà thực hiện dự án đã ấp ủ từ ngày nhận học bổng, đó là về quê dạy tiếng Anh cho học sinh. Hơn ai hết, Tỉnh hiểu giá trị và cơ hội mà tiếng Anh có thể đem lại, nên cũng muốn giúp học sinh sớm tiếp cận ngôn ngữ này.

Tỉnh chủ yếu dạy trực tuyến, học sinh đa dạng lứa tuổi, nhưng đa số ở bậc tiểu học. Anh dạy học trò ngữ pháp cơ bản cùng kỹ năng giao tiếp. Sau hai tháng dạy miễn phí, nhận phản hồi tích cực từ học trò và phụ huynh, Tỉnh đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để mở một trung tâm tiếng Anh.

i1-vnexpress.vnecdn.net-2025-04-21-_3bce8786-74e0-47ce-a307-c743cd-4358-9854-1745228392.jpg
Tỉnh (phải) làm nhân viên chăm sóc khách hàng tại Melbourne Aquarium trong thời gian du học Australia tháng 6/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Thị Phương Linh, Trưởng phòng Hoạt động sinh viên RMIT Việt Nam, đánh giá Tỉnh là "minh chứng sống" cho tinh thần không ngại khó, ngại khổ, luôn nâng niu từng cơ hội mình được trao. Suốt 1-2 năm đầu tiên, Tỉnh gần như xuất hiện tại mọi sự kiện của trường trong vai trò tình nguyện, hỗ trợ viên. Chị Linh đánh giá với nhiệm vụ nào, Tỉnh cũng làm nghiêm túc, tận tâm và chủ động.

"Sau ba năm, từ một chàng trai còn chút ngại ngùng ban đầu, giờ Tỉnh đã trưởng thành, tự tin, vững vàng hơn rất nhiều. Tôi tin rằng Tỉnh sẽ còn tiến xa hơn nữa", chị Linh nói.

Nhìn lại hành trình, Tỉnh cảm thấy hài lòng vì sự cố gắng của bản thân, tự nhủ phải cố gắng hơn.

"Được vào đại học với tôi là một chiến thắng của cuộc đời. Nhưng đây mới là bước đầu thôi, con đường phía trước vẫn có thể có những thăm trầm", Tỉnh nhìn nhận. "Nhưng tôi tin vào nỗ lực của bản thân".

Theo VnExpress
https://vnexpress.net/tu-cong-nhan-trai-nuoi-ga-den-sinh-vien-dai-hoc-quoc-te-4876886.html
Copy Link
https://vnexpress.net/tu-cong-nhan-trai-nuoi-ga-den-sinh-vien-dai-hoc-quoc-te-4876886.html
Bài liên quan
Cơ hội nhận học bổng toàn phần từ Trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA)
SNA giới thiệu chương trình học bổng Tài năng thế hệ mới mang tên "NextGen Talent Search", dành cho học sinh từ bậc tiểu học đến trung học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ công nhân trại nuôi gà đến sinh viên đại học quốc tế