Giáo dục bốn phương

Từ Mỹ đến Anh: Cơn bão kiểm duyệt sách đang đe dọa thư viện học đường

Minh Ngọc 17/04/2025 13:47

Không chỉ là người trông coi sách, thủ thư ở Anh nay trở thành người gác cổng tri thức giữa một cuộc tranh cãi đầy căng thẳng. Khi phụ huynh yêu cầu gỡ bỏ sách vì “vấn đề đạo đức”, ai sẽ bảo vệ quyền đọc và quyền được biết của học sinh?

duke_humfrey-s_library_interior_6-_bodleian_library-_oxford-_uk_-_diliff.jpg
Một thư viện tại Oxford Anh - Ảnh:minh họa

Tình trạng kiểm duyệt sách từng gây tranh cãi tại Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang dần lan sang nước Anh, tạo ra làn sóng lo ngại về tự do thông tin trong môi trường giáo dục. Những tưởng việc gỡ bỏ sách khỏi kệ thư viện trường học chỉ xảy ra tại xứ cờ hoa, nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại.

Ở Mỹ, dưới danh nghĩa "bảo vệ học sinh", nhiều trường học – đặc biệt là các trường phục vụ gia đình quân nhân – đã tạm ngưng hoạt động thư viện để rà soát các đầu sách bị cho là “liên quan đến giới tính” hoặc “chủ đề bình đẳng phân biệt đối xử”. Chính quyền Trump đã tiếp thêm động lực cho phong trào cấm sách vốn âm ỉ trong giới bảo thủ Mỹ nhiều năm.

librarian_at_the_card_files_at_a_senior_high_school_in_new_ulm-_minnesota.jpg
Một nhân viên thử thu tại Mỹ - Ảnh: minh họa

Không kém phần bất ngờ, nước Anh cũng chứng kiến làn sóng tương tự nổi lên sau đại dịch COVID-19. Một vụ việc điển hình xảy ra vào mùa xuân năm 2022 tại một trường Công giáo ở Croydon, nơi tác giả sách thiếu nhi đồng tính Simon James Green được mời tới nói chuyện. Sau chiến dịch phản đối từ một trang web cực đoan chống LGBT của Mỹ, sự kiện bị hủy bỏ, giáo viên đình công, và sự việc trở thành chủ đề nóng trên truyền thông.

Theo một khảo sát gần đây, hơn một nửa số thủ thư trường học ở Anh từng bị yêu cầu gỡ bỏ sách – chủ yếu từ phụ huynh. Những tác phẩm bị "điểm danh" thường xoay quanh đề tài LGBT+, như loạt truyện tranh Heartstopper của Alice Oseman, Billy’s Bravery của Tom Percival, hay This Book Is Gay của Juno Dawson. Có trường hợp thủ thư nhận được thư ký tên yêu cầu gỡ sách, thậm chí có người tìm thấy tờ rơi tuyên truyền từ các tổ chức cực hữu Mỹ ngay trong thư viện.

Nguyên nhân của xu hướng này có thể đến từ thời gian học online kéo dài khiến phụ huynh chú ý hơn đến nội dung con mình đọc. Cũng không thể bỏ qua tác động từ môi trường chính trị phân cực và sự lan rộng của các phong trào phản đối mang màu sắc văn hóa chiến tranh. Các sự kiện như “giờ kể chuyện cùng drag queen” đã trở thành mục tiêu bị phản đối bởi các nhóm cực hữu ở cả Mỹ lẫn Anh.

Điều đáng buồn là các thủ thư – những người được đào tạo chuyên sâu, đóng vai trò định hướng văn hóa đọc, lại thường bị xếp ở vị trí thấp trong hệ thống giáo dục. Họ đa phần là phụ nữ, lương thấp, và phải hoạt động trong điều kiện thiếu thốn ngân sách. Trong khi đó, một phần tư trường học ở xứ Wales không có thư viện, còn ở Scotland, hai phần ba thư viện trường không có ngân sách hoạt động.

Thay vì nhắm vào những cuốn sách thúc đẩy sự cảm thông, đa dạng và bao dung, phụ huynh nên lo lắng về các nội dung gây hại thực sự mà trẻ dễ tiếp cận trên mạng xã hội – như cổ xúy bạo lực, kỳ thị giới tính, rối loạn ăn uống… Việc cấm sách chỉ đẩy trẻ ra khỏi nguồn tri thức an toàn và hướng các em đến thế giới số đầy cạm bẫy. Giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tin tưởng vào vai trò của người thủ thư – những người âm thầm bảo vệ tri thức và sự phát triển lành mạnh cho thế hệ tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ Mỹ đến Anh: Cơn bão kiểm duyệt sách đang đe dọa thư viện học đường