Không chỉ có thanh niên, người lớn, mà ngay cả trẻ em cũng tham gia kháng chiến.
Với tác phẩm “Dấu chân trong rừng”, tác giả Văn Tùng đưa độc giả tới vùng núi phía Bắc Tổ quốc, để chứng kiến những tháng ngày hoạt động đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh.
Cuốn sách mở đầu với bức tranh bìa mang đậm nét vùng Tây Bắc Bộ: Ở phía xa xa của bức tranh, thấp thoáng những nếp nhà sàn nằm giữa các thửa ruộng bậc thang rộng bát ngát. Xuất hiện ở chính giữa bức tranh là ngọn núi cao tới tận mây xanh, cây cối mọc thưa thớt, đơn lẻ.
Trên con đường mòn vắt ngang ngọn núi ấy có một đứa bé đi trước, tay xách bu gà, cùng với một cụ già bước phía sau. Cậu bé và cụ già ấy là ai, và tại sao lại đi trên con đường mòn ấy? Những thắc mắc ấy hối thúc độc giả nhanh chóng lật giở những trang sách tiếp theo để cùng tìm hiểu.
Và chỉ sau câu chuyện đầu tiên, những thắc mắc của độc giả đều được làm sáng tỏ: Thì ra, cậu bé ấy chính là Kim Đồng, còn cụ già là Già Thu hay “Ông già cách mạng”. Khi ấy, Già Thu phải đi công tác tới Pài Cố, nhưng chuyến đi gặp khó khăn khi “đây là chuyến đi quan trọng trên một tuyến đường mà giặc có thể bất ngờ xuất hiện”.
Và Kim Đồng đã được đặt niềm tin để đi trực tiếp bên cạnh Già Thu, bởi “em ấy vừa sáng dạ lại rất can đảm và đoạn đường ấy Kim Đồng đã có lần qua lại”. Đúng như kì vọng, Kim Đồng hoàn thành trọn vẹn công việc đưa đón Già Thu bằng việc cải trang thành hai bố con thầy mo đi cúng về, cũng như “thường xuyên chạy lên trước, làm nhiệm vụ cảnh giới của mình”.
Hay tại câu chuyện thứ ba, cái đồn Phai Khắt đã gây ra biết bao nhiêu tội ác cho thôn xóm của Hồng: Từ “Thằng đồn ác hung hiểm có tiếng. […] Nó vào nhà ai thì y như là tai vạ đến đó; ít nhất cũng mất với nó đấu nếp, con gà”, cho tới “Binh lính trong đồn […] vòi vĩnh, hống hách thì giống hệt nhau”. Chính những tội ác tày trời ấy đã bồi đắp thêm trong con tim của Hồng sự căm thù giặc, và “ước gì có ông bụt nào về đây hóa phép cho cái đồn tiêu tan đi”.
Ban đầu, Hồng được anh trai Đạo của mình giao cho công việc giao tài liệu tới những người bạn của anh. Sau khi có được sự tín nhiệm thông qua công việc vận chuyển ấy, Hồng cuối cùng đã được giao nhiệm vụ thỏa mãn với mong ước của mình: Hồng sẽ được làm việc cùng với anh Giải phóng quân – người có thể trị được cái đồn Khai Phắt như trong mong muốn của Hồng.
Sau khi được anh Giải phóng quân giao nhiệm vụ thăm dò thông tin bên trong đồn Khai Phắt, Hồng nhanh trí đi bán bánh xung quanh đồn. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Hồng đã có được sự tin tưởng của thằng trưởng đồn và binh lính, qua đó có thể lọt vào đồn và thu thập những thông tin cần thiết cho các anh Giải phóng quân.
Khó khăn cũng đến với Hồng khi phải chứng kiến cảnh thằng lính đồn hành hạ dã man anh thanh niên trong làng nhằm moi thông tin liên quan đến cách mạng, hay bị thằng cai trong đồn nghi ngờ là Việt Minh. Nhưng nhờ tài trí, cùng quyết tâm xóa sổ đồn Khai Phắt, Hồng đã vượt qua tất cả, và góp công lớn giúp các anh Giải phóng quân đánh tan cái đồn tai ác ấy.
“Dấu chân trong rừng” đã giúp độc giả có thể hình dung bức tranh của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong những ngày đầu thành lập. Kim Đồng, Hồng cùng các bạn đội viên trong Đội “Nhi đồng cứu quốc”… đều sẵn sàng đảm nhiệm những công việc khi được tổ chức tin tưởng giao cho.
Bằng lòng dũng cảm, sự gan dạ và nhanh trí, các đội viên ấy luôn sáng tạo trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao phó, đóng góp phần nhỏ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc đi tới thắng lợi.
Thông qua những câu chuyện về những tháng ngày đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, dường như tác giả Văn Tùng còn muốn gửi gắm tới độc giả - đặc biệt là độc giả trẻ ngày hôm nay về việc giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc. Đó là trách nhiệm thiêng liêng, cao cả mà ai ai cũng cần phải ghi nhớ trong lòng mình.
Qua những câu chuyện, độc giả có thể thấy rằng, khi đất nước Việt Nam bị đô hộ bởi thực dân Pháp, người dân phải sống trong cảnh cơ cực, lầm than, không hề có một chút sự tự do. Những điều tưởng chừng như phi lý, sai trái với những chuẩn mực sống cơ bản nhất cũng đều bị chúng biến thành những thứ hợp lý và hiển nhiên.
Những ai phải sống trong bầu không khí ấy không được tự do làm những điều mình thích, mình mong muốn, mà thay vào đó phải phục vụ, tuân theo mong muốn, sở thích của kẻ cai trị. Chắc chắn rằng, đó là một cuộc sống đầy bức bối và tràn ngập sự bất công - một cuộc sống mà không ai muốn sống. Để rồi từ đó, nhân dân ta đã phải đứng lên, giành lại tự do cho dân tộc của mình.
Bầu không khí hòa bình mà ta có được ngày hôm nay được kết tinh từ công lao của các thế hệ đi trước. Họ đã sẵn sàng hi sinh, không màng tới tất cả những mong cầu riêng tư của mình vì tương lai chung hòa bình, tự do, độc lập của đất nước, vì tương lai tươi sáng của các thế hệ sau này.
Chính vì vậy, thế hệ trẻ ngày hôm nay cần cố gắng giữ gìn sự hòa bình, cho chính cuộc sống hiện tại và cho cả tương lai của các thế hệ mai sau. Cố gắng học tập, tiếp thu tri trức, rèn luyện bản thân, hòa đồng, đoàn kết với mọi người xung quanh… những hành động tưởng chừng đơn giản ấy nếu được mọi người cùng thực hiện đã là quá đủ để giúp đất nước Việt Nam mãi mãi vững bền.