Thực tế cũng cho thấy, trước và trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng không ít phụ huynh đến tận trường hỏi thủ tục thay đổi và xin điều chỉnh. Lý do được phụ huynh đưa ra thường là bố mẹ có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, nắm được sở thích, năng lực của con và hiểu hơn về nhu cầu thị trường lao động. Mặt khác, nhiều bố mẹ thể hiện quyền lực, muốn tự mình quyết định tương lai thay con nhưng bản thân lại thiếu hiểu biết về ngành nghề, sở trường sở đoản của con.
Cho con tự quyết định tương lai
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, cho rằng: Về nguyên tắc, mỗi người chỉ thực hiện tốt công việc khi mình chịu trách nhiệm và ra quyết định. Nên cho dù bố mẹ có định hướng, chọn đúng nhưng nếu không từ sự đồng tình, mong muốn của trẻ thì không thể theo đuổi và thậm chí làm ngược lại điều bố mẹ mong muốn, kỳ vọng (cho dù mong muốn đó tốt, chính xác…). Trong trường hợp bố mẹ chọn nghề sai, trẻ chính là người trả giá. Và như vậy, bao nhiêu mong muốn, ước mơ của người lớn cũng sẽ tan biến.
Từ thực tế trên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà khẳng định: Cần đứng ở vị trí và xuất phát của con để gợi mở, chia sẻ giúp con nhận thức và ra quyết định chọn nghề nghiệp. Thay vì bảo trẻ phải làm việc này thì hãy nói “việc này hợp với tính cách mong muốn của con”. Cha mẹ cần gợi mở từng bước một, giúp trẻ có cơ hội tự ra quyết định, biết chịu trách nhiệm với quyết định một cách tự nhiên không áp đặt.
Cô giáo Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) đồng tình với việc học một ngành không do chính mình lựa chọn, không yêu thích sẽ khiến bạn trẻ chán nản, không có động cơ học tập tích cực, dẫn đến nguy cơ bỏ giữa chừng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
Thậm chí, dù các em có cố gắng để tốt nghiệp thì sau này đi làm cũng khó đạt được thành công trong công việc cũng như cuộc sống. Không những thế trong quá trình học, vì chán nản có em còn mất phương hướng, sa vào tệ nạn.