Tư vấn tâm lý học đường: 'Phá vỡ' sự im lặng

Đức Trí | 01/10/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xã hội biến đổi và tác động tới tâm lý học trò nên công tác tư vấn học đường cần đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả. 

Cô Đinh Thị Gửi, giáo viên Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái), cũng gắn bó với giáo dục dân tộc hơn 10 năm qua. Từ thực tiễn tham gia công tác tư vấn học đường, cô nhận thấy mỗi trường, mỗi giáo viên tùy theo đặc điểm học trò mà triển khai hình thức tư vấn khác nhau để đảm bảo phù hợp.

Học sinh của cô Gửi vẫn chịu ảnh hưởng tư tưởng bỏ học để kết hôn. Trong môi trường bán trú, nếu có tình cảm, các em có thể rủ nhau bỏ học… Do đó, trường đã chọn các nội dung liên quan tới hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản, tảo hôn, hôn nhân cận huyết… để tuyên truyền trong câu lạc bộ học đường. Quá trình sinh hoạt câu lạc bộ, học sinh được tìm hiểu, xây dựng kịch bản và tự hóa thân vào vai diễn. Ngoài ra, thầy cô còn cùng học sinh tháo gỡ những tình huống giả định nhưng sát thực với tâm lý, thực tiễn cuộc sống...

Tư vấn tâm lý học đường: 'Phá vỡ' sự im lặng  ảnh 1

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: NVCC

“Hiện nay, học sinh không chọn hình thức viết thư hay email để chia sẻ vấn đề thầm kín. Để nhận diện các vấn đề tâm lý các em đang gặp phải để tháo gỡ, ngăn chặn…, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên thường chủ động nắm bắt tâm lý qua cán bộ lớp; quan sát hành vi thái độ hàng ngày.

Nắm bắt được khúc mắc, thầy cô sẽ chủ động trao đổi; tạo diễn đàn cho các em nêu ý kiến đề xuất, mong muốn. Tư vấn học đường đang chủ động nắm bắt để đi đúng, trúng vấn đề học sinh cần chứ không ngồi đợi các em gặp khó mới hỗ trợ…”, cô Gửi chia sẻ.

Phát huy vai trò cán bộ lớp

Từ thực tế giảng dạy, cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu), nhận thấy: Trong khi trường “trắng” đội ngũ tư vấn học đường thì giáo viên trở thành những “chuyên gia” tư vấn bằng sự nhiệt tình, kinh nghiệm và hiểu biết để nhận diện được nguy cơ, xu hướng, vấn đề tâm lý học sinh cần tháo gỡ. Càng xóa bỏ sự “im lặng” trong học trò, thầy cô càng dễ hoạch định công tác tư vấn học đường cần gì, thiếu gì và làm gì tốt nhất cho các em.

Cô Lý Thị Hiền cũng khẳng định, với học sinh nông thôn, dân tộc… muốn nhận ra vấn đề cần tư vấn tháo gỡ không thể thiếu sự chủ động quan sát của thầy cô bởi càng lớn các em càng ngại chia sẻ.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của ban cán sự lớp trong việc nắm bắt hành vi, thái độ, bất thường của học sinh. Hãy biến ban cán sự lớp như cầu nối, “cánh tay phải” để tiếp nhận những thông tin, vấn đề tinh thần, tâm lý tình cảm của học sinh trong lớp. Có nguồn thông tin sát sao từ học sinh trong lớp, giáo viên có thể làm tốt công tác tư vấn; hoặc tìm ra biện pháp tháo gỡ, ngăn chặn kịp thời.

Học sinh dân tộc có xu hướng im lặng, cam chịu hoặc tự giải quyết vấn đề theo suy nghĩ cá nhân. Song như vậy không có nghĩa các em giải quyết ổn thỏa các khó khăn của bản thân. Dù ở lứa tuổi học sinh tiểu học thì tư vấn học đường vẫn cần được coi trọng, quan tâm và triển khai để các em phát triển toàn diện… - Cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Lai Châu)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tu-van-tam-ly-hoc-duong-pha-vo-su-im-lang-post609686.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tu-van-tam-ly-hoc-duong-pha-vo-su-im-lang-post609686.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tư vấn tâm lý học đường: 'Phá vỡ' sự im lặng