Từ Violympic đến VioEdu: Kinh nghiệm thực tiễn chuyển đổi số trong trường học

PV | 22/03/2023, 11:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xây dựng nền tảng công nghệ thông tin là giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong mỗi nhà trường.

Tại "Hội nghị kinh nghiệm và giải pháp chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội" vừa diễn ra ngày 22/3, Ông Nguyễn Bá Việt, đại diện Trung tâm giáo dục số VioEdu & Violympic (Tập đoàn FPT) nhận định: "Xây dựng nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) đảm bảo kết nối dữ liệu dạy, học, quản lý một cách đồng bộ, xuyên suốt, bảo mật, phục vụ mục đích sử dụng của nhiều đối tượng là giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong mỗi nhà trường".

“Bài toán” chuyển đổi số của ngành giáo dục

Tại Việt Nam, giáo dục được coi là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020. Sau 3 năm triển khai, ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng được hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông trên toàn quốc, số hoá và gắn mã định danh gần 24 triệu hồ sơ học sinh và 1.5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý. Gần 25 nghìn trường học đã kết nối phần mềm với cơ sở dữ liệu ngành. Bộ cũng đã xây dựng được kho học liệu điện tử với hơn 7.000 bài giảng.

Các địa phương đã có sự chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học, từng bước đưa số hoá vào trong quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy, triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, xây dựng và khai thác kho học liệu điện tử, mua sắm trang thiết bị, hạ tầng công nghệ, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, và đạt nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số giáo dục tại từng địa phương vẫn vướng phải những khó khăn chính: hạ tầng mạng và CNTT phục vụ cho việc quản lý và dạy học chưa đồng bộ; nguồn lực xây dựng các kho học liệu số còn hạn chế; phần mềm hỗ trợ dạy học và quản lý đã được triển khai ở hầu hết các cơ sở giáo dục, nhưng thiếu thống nhất, khiến dữ liệu bị phân mảnh hoặc chồng chéo; năng lực số của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh cần được chú trọng nâng cao đồng đều.

"Cần phải có một nền tảng hoặc phần mềm “quốc dân” - đơn giản, dễ tiếp cận, dùng chung toàn hệ thống, thống nhất giữa các trường, kết nối các cấp, kết nối phụ huynh - học sinh - nhà trường với tính bảo mật cao nhằm tạo thuận lợi cho liên thông dữ liệu, phát huy tối đa hiệu quả của công tác thống kê và quản lý giáo dục", đại diện VioEdu đề xuất.

“Lời giải” thực tiễn từ nền tảng triệu người dùng

Với năng lực công nghệ dẫn đầu, nhờ tinh thần sẵn sàng hợp lực và kinh nghiệm tư vấn - triển khai, suốt nhiều năm qua, Tập đoàn FPT đã trở thành đối tác chuyển đổi số chiến lược của Chính phủ. Trong 54 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết/Chương trình chuyển đổi số, FPT đã tiếp cận, ký kết hợp tác chiến lược và đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số với hơn 40 tỉnh thành, trong đó đào tạo nguồn nhân lực số, đầu tư cho giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Là 02 giải pháp công nghệ giáo dục tiêu biểu giúp FPT Software (thuộc FPT) giành giải Top 10 Doanh nghiệp Edtech Việt Nam 2022, Violympic và VioEdu có những kinh nghiệm triển khai tiên phong, sáng tạo, giúp các đơn vị giáo dục từ ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng dạy, học đến chuyển đổi số trong việc đánh giá, quản lý.

Để các hoạt động giáo dục diễn ra trên nền tảng số, điều tiên quyết là mỗi đối tượng của ngành phải tham gia sử dụng, tương tác, kết nối thường xuyên trên nền tảng đó. Thông qua các sân chơi trực tuyến thu hút hàng chục triệu học sinh từ mọi vùng miền cả nước, Violympic và VioEdu đã đều đặn, liên tục đưa vào nền tảng của mình một lượng người dùng lớn và chủ động.

Hệ thống cho phép tổ chức các lớp học trực tuyến một cách thuận tiện; cho phép giáo viên, học sinh xây dựng, khai thác kho học liệu số, ngân hàng bài tập, đề thi (hiện có sẵn lên tới hơn 10.000 video bài giảng và 1 triệu bài luyện tập được biên soạn theo chương trình GDPT mới); thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá với đa dạng quy mô. Kết quả dạy và học được thống kê theo thời gian thực, theo từng khối lớp, phục vụ hoạt động tra cứu, quản lý xuyên suốt giữa các cấp.

Trong hơn 3 năm ra mắt, đội ngũ VioEdu đã tập huấn, hướng dẫn các trường học của 40 tỉnh, thành để triển khai sân chơi trực tuyến, tổ chức dạy, học, kiểm tra, đánh giá hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến.

Đối với học sinh, VioEdu hỗ trợ các em tự học hiệu quả với một lộ trình học cá nhân hoá dựa trên việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Những báo cáo chi tiết về hiệu quả học tập của học sinh được đồng bộ trong tài khoản phụ huynh và giáo viên, như một “trợ lý” đắc lực giúp giáo viên, phụ huynh tối ưu thời gian bổ trợ kiến thức.

Như vậy, với khởi đầu là sân chơi trực tuyến giúp người dùng dễ dàng tiếp cận, sử dụng, VioEdu cung cấp một nền tảng công nghệ với đầy đủ tính năng phục vụ mục đích sử dụng thiết yếu cho các cấp bậc, kết nối học sinh, phụ huynh với nhà trường, kết nối các trường với cấp quản lý cao hơn.

Đại diện VioEdu cam kết, đội ngũ sẽ hỗ trợ nguồn lực tối đa để cùng các đơn vị giáo dục cả nước xây dựng hệ thống quản lý các cấp, đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành, kho học liệu; tư vấn, phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai những kỳ đánh giá, sân chơi online về học tập và lập trình miễn phí; đồng thời đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực số cho giáo viên các nhà trường.

Các đơn vị giáo dục có nhu cầu được tư vấn, tập huấn liên quan đến chuyển đổi số vui lòng liên hệ hotline: 0353.055.060 hoặc email: support@vio.edu.vn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ Violympic đến VioEdu: Kinh nghiệm thực tiễn chuyển đổi số trong trường học