Từ vụ bạo lực tại Trường quốc tế - để không xảy ra tình trạng đáng tiếc!

Công Chương | 31/05/2022, 08:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vụ việc bạo lực tại Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) gây chú ý dư luận. Trong đó có cách xử lý tình huống của nhà trường và phụ huynh thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia.

Từ mối tương quan giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục trẻ em, ThS Bùi Khánh Nguyên đưa ra góc nhìn: Giống như trong một gia đình, trẻ em chẳng quan trọng việc cha đúng hay mẹ đúng, bởi chúng thường yêu quý cả hai. Việc bất hòa giữa hai bên thường khiến chúng bối rối và cảm thấy “tan vỡ”. Bắt trẻ chứng kiến sự chia rẽ và buộc chúng “chọn phe” là một cách làm “tan vỡ” đứa trẻ mà cả trường và gia đình đang tìm cách bảo vệ.

Bắt nạt học đường là một vấn đề nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tự tử ở thanh thiếu niên. Những trải nghiệm tồi tệ có thể tàn phá phần còn lại của cuộc đời đứa trẻ và ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như sự hình thành tính cách của trẻ. Rất nhiều đứa trẻ tấn công hàng loạt vào trường học thực ra lại chính là nạn nhân của bắt nạt học đường, bị ức chế hoặc đầy ẩn ức mà không được giúp đỡ trước đó.

Tôi không ủng hộ việc coi nhẹ bắt nạt học đường theo cách nghĩ “chỉ là trẻ con đánh nhau, người lớn can dự vào làm gì”. Bắt nạt học đường phải được xử lý dứt khoát nhưng cũng phải theo một cách thức khoa học và nhân ái vì lợi ích của tất cả những đứa trẻ liên quan. Để làm được việc đó, cha mẹ và nhà trường là một “cặp đôi” không thể tách nhau. Không có hợp tác thì chẳng có ai “thắng” trong một vụ bắt nạt học đường cả!

Nằm bắt kịp thời tình hình học tập của lớp

Từ vụ việc, một câu hỏi thường được đề cập là làm sao hạn chế tối đa tình trạng bạo lực học đường và phụ huynh nên làm gì khi con bị đánh ở trường?

Thầy Nguyễn Long Giao - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông

Ở khía cạnh người quản lý trường học, thầy Nguyễn Long Giao - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) cho rằng, về phía nhà trường, Ban giám hiệu phải giao ban hằng tuần với giáo viên chủ nhiệm, thầy/cô quản sinh để nắm thông tin của các lớp và có hướng giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

Các thành viên trong Tổ tư vấn tâm lý thường xuyên chia sẻ, tư vấn những khó khăn đối những em học sinh không biết nói với ai. Thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao: đá bóng, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, văn nghệ… vào giờ ra chơi, sau giờ về tạo nhiều sân chơi cho các em nhằm hạn chế các mâu thuẩn giữa học sinh.

Về phía giáo viên chủ nhiệm, cần nắm bắt kịp thời tình hình học tập của lớp thông qua các kênh thông tin như: Ban cán sự lớp, các bạn trong lớp, giáo viên bộ môn, thầy/cô quản sinh,… để có sự phối hợp và thông tin với phụ huynh học sinh.

Về phía giáo viên bộ môn, cần quản lý thật tốt trong tiết dạy của mình và kịp thời thông tin đến Ban giám hiệu khi có vụ việc xảy ra trong tiết dạy.

Về phía phụ huynh, sau khi học sinh về nhà, phụ huynh nên dành một ít thời gian hỏi thăm tình hình học tập của con mình, vừa giúp gắn kết tình cảm gia đình vừa nắm thông tin của các con về sinh hoạt, học tập hằng ngày ở trong trường. Phụ huynh nên trao đổi trực tiếp, cùng phối hợp cùng nhà trường khi có vấn đề xảy ra thông qua trao đổi với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, thầy cô quản sinh và Ban giám hiệu nhà trường.

“Nhìn chung, để hạn chế những vấn đề xảy ra như trên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, điều quan trọng nhất là tạo nhiều sân chơi cho học sinh; tư vấn kịp thời những khó khăn mà học sinh gặp phải; giáo viên phải quản lý thật tốt trong tiết dạy và nắm bắt thông tin hằng ngày việc học của học sinh… để luôn có sự trao đổi kịp thời thông tin giữa phụ huynh và nhà trường thông qua các kênh liên lạc khác nhau, nhằm ngăn ngừa ngay từ đầu, tránh để vụ việc xảy ra rồi mới giải quyết…” - thầy Nguyễn Long Giao nêu quan điểm.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An

“Chúng ta phải nhìn nhận một yếu tố khách quan là, một môi trường đông người và các bạn trẻ đang trong độ tuổi phát triển, thích khẳng định cái tôi của mình thì đâu đó sẽ có những thành phần cá biệt và có sự va chạm. Điều quan trọng ở đây là thái độ cách ứng xử, hành xử của người lớn, cụ thể là nhà trường và phụ huynh. Vì chính điều đó sẽ ảnh hưởng đến hành vi, nhìn nhận vấn đề của những người trong cuộc đặc biệt là của học sinh.

Về phía nhà trường, phải có trách nhiệm và luôn có kịch bản để ứng xử và ứng phó với tình huống bạo lực học đường, vì bất cứ khi nào bạo lực học đường có thể xảy ra tại ngôi trường của mình.

Mục tiêu cuối cùng đạt được trong câu chuyện bạo lực học đường là giáo dục được nhân cách, cách hành xử, ứng xử của học sinh, chứ không phải là câu chuyện phủi bỏ trách nhiệm hay ai thắng ai thua.

Cách ứng xử nhân văn của nhà trường và phụ huynh mới là cách giáo dục tốt nhất trong trường hợp này, để nó trở thành khuôn mẫu hành vi ứng xử cho học sinh noi theo trong những trường hợp sau.

Việc bênh con một cách quá đáng khiến con sẽ luôn luôn ỉ lại và nhân cách con sẽ bị méo mó sau này. Nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều hệ lụy về sau chứ không chỉ là vấn đề trước mắt, vậy nên bố mẹ phải có cách hành xử đúng” - Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc Trung tâm đào tạo, ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp Jobway).

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tu-vu-bao-luc-trong-hoc-sinh-tai-truong-quoc-te-de-khong-xay-ra-tinh-trang-dang-tiec-b6iJAtrng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tu-vu-bao-luc-trong-hoc-sinh-tai-truong-quoc-te-de-khong-xay-ra-tinh-trang-dang-tiec-b6iJAtrng.html
Bài liên quan
Bạo lực trong học sinh Trường quốc tế American Academy
Liên quan vụ bạo lực trong học sinh Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA, TP Thủ Đức, TPHCM), đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng nhà trường cần có trách nhiệm giải quyết sự việc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ vụ bạo lực tại Trường quốc tế - để không xảy ra tình trạng đáng tiếc!