Từ vụ con nuôi tại tịnh thất Bồng Lai: Đòi đứa con đã cho, không dễ!

20/09/2023, 08:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo chuyên gia, nếu nguyên đơn, bị đơn đồng ý chấm dứt việc nhận nuôi con nuôi và cháu B đồng ý thì có thể xem xét áp dụng tinh thần của Án lệ 61/2023.

Kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của tòa án có hiệu lực pháp luật thì quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng chấm dứt.

Trường hợp này, bé B mới chỉ sáu tuổi (chưa thành niên). Trong khi đó, người nhận nuôi là bà Cao Thị Cúc đang phải chấp hành bản án hình sự nên không có điều kiện, khả năng để nuôi dạy trẻ.

Vì vậy, để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho bé B thì cha mẹ đẻ của bé có quyền khởi kiện đề nghị tòa án xem xét, tuyên bố chấm dứt việc nuôi con nuôi và giao bé B cho cha mẹ đẻ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.

Có thể áp dụng án lệ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: “Luật Nuôi con nuôi chưa đề cập tới chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên. Chính vì vậy, tôi đã đề xuất Án lệ 61/2023 về chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên.

Tuy nhiên, để áp dụng tinh thần của án lệ trên thì cần sự đồng thuận của cả ba bên là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và sự đồng thuận của con nuôi. Tức trong vụ án trên, nếu nguyên đơn là bà Trần Thị Mỹ Dung (mẹ bé) và bị đơn là bà Cao Thị Cúc (mẹ nuôi bé) đồng ý chấm dứt việc nhận nuôi con nuôi và bé B đồng ý thì có thể xem xét áp dụng tinh thần của Án lệ 61/2023”.

Theo TS Đại, có thể thấy vụ việc nêu trên đều không thuộc các khoản 1, 2, 3 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi (các căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi).

Còn đối với khoản 4 Điều 25 là vi phạm các hành vi cấm, trong đó có hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, việc bà Cúc là một bị án cũng không thuộc trường hợp này.

Còn để chứng minh việc người nhận nuôi con nuôi lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là không dễ.

Lúc này, cần cân nhắc khả năng triển khai cơ chế giám hộ cho trẻ để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ.

Tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ
TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vừa mở phiên xử vụ tranh chấp yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Mỹ Dung và bị đơn là bà Cao Thị Cúc (một trong những bị án vụ tịnh thất Bồng Lai). HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để đưa UBND thị trấn Long Hải vào tham gia tố tụng và thu thập chứng cứ về việc giao nhận con nuôi.
Nội dung vụ án thể hiện đầu năm 2017, bà Dung sinh được một bé trai và đăng ký giấy khai sinh cho bé ở thị trấn Long Hải, đặt tên là GB.
Đến năm 2019, lúc bé GB được hai tuổi thì gia đình bà xảy ra biến cố. Bà Dung đã tìm đến tịnh thất Bồng Lai để cho con với mong muốn con mình sau này được sống tốt hơn. Sau khi được bà Cúc nhận lời, hai bên đã làm thủ tục giao nhận con nuôi tại UBND thị trấn Long Hải.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo, bà Cúc lại đang phải đi chấp hành án, không có điều kiện nuôi dưỡng, dạy con mình, bà Dung đã khởi kiện ra tòa yêu cầu chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi.
Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tu-vu-doi-con-nuoi-tai-tinh-that-bong-lai-doi-lai-dua-con-da-cho-khong-de-c46a1503006.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tu-vu-doi-con-nuoi-tai-tinh-that-bong-lai-doi-lai-dua-con-da-cho-khong-de-c46a1503006.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ vụ con nuôi tại tịnh thất Bồng Lai: Đòi đứa con đã cho, không dễ!