Tương tự, khu "đất vàng" 1.500m2 phố Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng thuộc quản lý của Tổng công ty Chè cũng "về tay" tư nhân.
Về nguồn gốc khu đất này, năm 1996, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định thu hồi 1.500m2 đất tại đường Trần Khát Chân do Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Thanh quản lý sử dụng để giao cho Tổng công ty Chè Việt Nam thực hiện dự án khách sạn 3 sao Indochine Ha Noi với mức đầu tư 10,2 triệu USD.
Để thực hiện dự án, doanh nghiệp đã tiến hành liên danh cùng Tập đoàn bất động sản Mulpha Haute Couture (Malaysia) để xây dựng khách sạn Indochine Ha Noi, cao 18 tầng tiêu chuẩn 3 sao và một trung tâm đấu giá chè quốc tế trên lô đất 1.500m2 theo Quyết định 2750/QĐ-UB của UBND TP.Hà Nội.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành cổ phần hóa, Tổng công ty Chè Việt Nam đã chuyển nhượng cổ phần tại dự án Indochine Ha Noi Trần Khát Chân cho Công ty cổ phần Sông Châu (Công ty Sông Châu). Giá trị thương vụ không được công bố. Theo BCTC kiểm toán năm 2015 của Tổng Công ty Chè Việt Nam, tính đến ngày 17/12/2015, doanh nghiệp này ghi nhận khoản phải thu 6 tỷ đồng tại Công ty Sông Châu.
Đáng chú ý, dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, tính đến tháng 12/2019, vốn điều lệ của Công ty Liên doanh khách sạn Indochine Hà Nội là hơn 40,4 tỷ đồng; cơ cấu sở hữu của liên danh này vẫn là 2 cái tên: Tổng công ty Chè Việt Nam (30% vốn điều lệ), và đối tác nước ngoài Mulpha Haute Conture Sdn (70% vốn). Ông Cao Minh Sơn (SN 1961) là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Thế nhưng, trong các báo cáo tài chính của Tổng công ty Chè Việt Nam từ năm 2016 - quý I/2022 không hề nhắc đến Công ty Liên doanh khách sạn Indochine Hà Nội hay dự án Trần Khát Chân.
Về phần doanh nhân Cao Minh Sơn được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sông Châu. Ngoài ra, vị doanh nhân sinh năm 1961 này còn đứng sau nhiều thương vụ thâu tóm khu đất đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM từ các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó đáng chú ý là khu đất vàng 99C Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM.