Não: Não là vị trí thường gặp nhất. Ấu trùng sán lợn cư trú trong hệ thần kinh trung ương, từ 60 - 96%. Những nang ở não gây bởi nhóm bệnh thần kinh như động kinh, tăng áp lực sọ não, viêm não, rối loạn tâm thần, viêm màng não, rối loạn chức năng thần kinh và thể phối hợp.
Các biểu hiện thường gặp: Nhức đầu 48,4%, động kinh 6,2%, rối loạn tâm thần 5,2%, rối loạn thị giác 15,6%, suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ 28,1%, co giật cơ 34,3%.
Ở da, cơ: Thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu... Biểu hiện là các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ nhỏ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lặn sâu trong cơ dưới da, màu da ở trên bình thường, bóp chặt có hiện tượng căng phồng của túi nước.
Bác sĩ Thọ tư vấn về con đường lây nhiễm và cách điều trị sán não.
Cách phòng ngừa sán não
Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm, nhiễm trứng hoặc ấu trùng như thịt lợn gạo chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sẽ chết khi được đun sôi trong 5 phút, nếu miếng thịt dày thì cần đun lâu hơn. Để chủ động phòng bệnh, bác sĩ khuyên:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
- Không ăn tiết canh lợn, thịt lợn tái, thịt lợn chưa nấu chín; không ăn thịt lợn gạo, không ăn rau sống mà phải nấu chín kỹ mới ăn.
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh môi trường sạch sẽ, không đại tiện bừa bãi, không nuôi lợn thả rông.
- Khi bị nghi ngờ nhiễm phải đến cơ sở y tế khám, xác định và tẩy sán dây lợn sớm.
- Khi thấy đau đầu hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hoặc co giật, bạn nên đến cơ sở y tế được khám và phát hiện điều trị bệnh kịp thời.