Tướng Mỹ nói về khả năng cung cấp hệ thống phòng không Vòm Sắt cho Ukraine

16/05/2023, 20:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mỹ hiện đang sở hữu hai hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) và có thể sẵn sàng gửi tới Ukraine một hệ thống, tướng Daniel Karbler, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Không gian trả lời tại Thượng viện vào tuần trước. Tuy nhiên, phát ngôn này đã được “điều chỉnh” lại sau đó.

Tướng Mỹ nói về khả năng cung cấp hệ thống phòng không Vòm Sắt cho Ukraine - 1

Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel khai hỏa vào ngày 14/5/2023.

Tuần trước, trong phiên họp của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện về các vấn đề phòng thủ tên lửa, thượng nghị sĩ Angus King của đảng Dân chủ đặt câu hỏi rằng tại sao hệ thống phòng không Vòm Sắt chưa xuất hiện ở Ukraine.

"Chúng ta đã giúp phát triển hệ thống này. Chúng ta hỗ trợ Isreal tới 3 tỷ USD trong dự án này. Liệu hệ thống này có hữu ích với Ukraine hay không khi họ đang rất cần bổ sung năng lực phòng không", thượng nghị sĩ King nói, theo tờ Jerusalem Post.

Vòm Sắt là hệ thống tên lửa phòng không do công ty quốc phòng Rafael của Israel phát triển. Mỹ đóng góp 2,6 tỷ USD vào dự án. Rafale và tập đoàn Raytheon của Mỹ cũng hợp tác sản xuất đạn tên lửa đánh chặn cho hệ thống Vòm Sắt mà Mỹ sở hữu.

Phản hồi câu hỏi của thượng nghị sĩ King, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách Vũ trụ, John Plumb nói Mỹ ưu tiên hỗ trợ Ukraine những vũ khí mà Washington có thể sản xuất, ví dụ như tên lửa Patriot.

Trong khi đó, tướng Karbler nói trong cuộc họp rằng Mỹ hiện có hai tổ hợp Vòm Sắt. Một đang sắp được triển khai và một đã sẵn sàng. "Quân đội Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine một hệ thống nếu nhận được đề nghị từ phía Kiev", tướng Karbler nói.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Không gian sau đó làm rõ rằng tướng Karber đề cập đến sự sẵn sàng của hệ thống Vòm Sắt nếu cần sử dụng, với ưu tiên cho quân đội Mỹ chứ không phải Ukraine.

Theo Jerusalem Post, Israel là quốc gia sản xuất hệ thống Vòm Sắt, do đó Mỹ cần sự cho phép của đồng minh để có thể gửi hệ thống này cho Ukraine hay bất cứ quốc gia nào khác. Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối đưa ra bình luận về tuyên bố của tướng Karbler.

Israel hiện chưa cung cấp cho Ukraine bất cứ hệ thống vũ khí sát thương nào, kể cả vũ khí phòng thủ. Trong cuộc xung đột, Israel chỉ tham gia hỗ trợ nhân đạo, giúp Ukraine xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Một phần nguyên nhân là do Israel hiện vẫn đang hợp tác với Nga trong các sứ mệnh quân sự ở khu vực phía bắc Syria.

Theo tờ Jerusalem Post, Israel hiện đang sở hữu khoảng 10 hệ thống Vòm Sắt, không đủ để bao phủ toàn bộ quốc gia. Quân đội Israel luôn phải luân chuyển các hệ thống này dựa trên thông tin tình báo về các đợt tấn công có thể xảy ra từ lãnh thổ Palestine.

Ukraine có diện tích lớn gấp 11 lần Israel nên một hệ thống Vòm Sắt nếu được chuyển tới nước này cũng chưa thể tạo ra sự khác biệt đáng kể, báo Israel nhận định.

Hệ thống phòng không Vòm Sắt ước tính có giá khoảng 50 triệu USD. Mỗi tên lửa đánh chặn có giá từ 100.000 - 150.000 USD. Một hệ thống gồm 3-4 xe phóng, mỗi xe có thể mang theo tối đa 20 đạn tên lửa đánh chặn.

Điểm mạnh của hệ thống Vòm Sắt là khả năng đánh chặn hiệu quả đạn pháo và đạn rocket. Hệ thống cũng có thể nhận biết đạn rocket hướng đến khu vực nguy hiểm để ưu tiên đánh chặn và bỏ qua những mục tiêu khác nhằm tiết kiệm đạn tên lửa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tướng Mỹ nói về khả năng cung cấp hệ thống phòng không Vòm Sắt cho Ukraine