GS. Phùng Văn Tửu cũng là con người nhân ái, bao dung, cẩn thận và chu đáo đến tỉ mỉ. Rất nhiều học trò đã trưởng thành nhờ nhận được sự nâng đỡ bao dung của Thầy, từ việc soạn giáo án đến việc chuẩn bị trang phục lên lớp ngay tiết đầu tiên, như lời căn dặn của người cha đối với con. Nhiều học trò đã bày tỏ hạnh phúc và may mắn được thụ giáo với Thầy.
Nền tảng và sự thành công của việc giảng dạy trên lớp là kết quả của những nghiên cứu dày dặn, khúc chiết về lĩnh vực văn học phương Tây và nhiều lĩnh vực văn hóa khác. GS. Phùng Văn Tửu là một học giả uyên bác, chuyên gia đầu ngành về Văn học Pháp (về Rouseau, Hugo, Aragon...), văn học phương Tây ở Việt Nam.
Những năm nghiên cứu và giảng dạy của thầy chủ yếu trong giai đoạn chiến tranh và hậu chiến tranh, với những bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Nhưng những điều đó không cản được những say mê tiếp cận của thầy với nền văn học phương Tây và thế giới. GS. Phùng Văn Tửu tự mở đường nghiên cứu khoa học của mình.
GS nghiên cứu về nhiều lĩnh vực của văn học phương Tây, để tạo nền tảng đi sâu vào những vấn đề hẹp với những “đổi mới”, “cách tân”: Cách tân của tiểu thuyết Pháp nửa sau thế kỉ XX, Cách tân nghệ thuật Văn học phương Tây. GS từng nói với học viên, không nên nghiên cứu quá rộng, cần nghiên cứu sâu vào lĩnh vực nào đó, mới mong có đóng góp thật sự cho khoa học.
GS. Phùng Văn Tửu không chỉ là người luôn cập nhật những vấn đề mới về tác giả, tác phẩm, cũng như các khuynh hướng văn học phương Tây, mà còn đi đầu trong những đổi mới nghiên cứu về phương Tây hiện đại, trong đó có văn học Pháp. Bởi lẽ những vấn đề mới luôn mang tính thời sự và tính khoa học của nó cũng được tiếp nhận không hoàn toàn giống nhau.
Một lần tặng sách cho chúng tôi, GS. Phùng Văn Tửu nói: “Sách của tôi chỉ dành cho ba loại người đọc: người cần nó, người thích nó, và người ghét nó. Hai loại trước thì đã đành, nhưng người ghét nó cũng sẽ đọc, để họ thấy tôi đáng ghét ở chỗ nào. Thí dụ, tôi quan niệm về Hậu hiện đại khác với một số người, nên họ có thể ghét, biết đâu”. Việc tiếp nhận về một vấn đề văn học không hoàn toàn giống nhau cũng là chuyện bình thường trong khoa học.
GS. Phùng Văn Tửu nói “có thể ghét, biết đâu”. Nhưng thật ra trong nhiều trang viết thầy đều nói đến cái hay cái đẹp của văn chương phương Tây, mang niềm say mê tuyệt vời ấy lan tỏa đến sinh viên và những người nghiên cứu văn học phương Tây thì làm sao “có thể ghét” cho được.
Các giáo trình Văn học phương Tây, cuốn Cảm thụ và giảng dạy văn học nước ngoài (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2002; 2008) của GS Phùng Văn Tửu cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị định hướng đối với những người quan tâm nghiên cứu về văn học nước ngoài ở trong và ngoài nhà trường đại học.
Đối với GS. Phùng Văn Tửu, khái niệm “về hưu” chỉ là hình thức. Thời gian nghỉ hưu chính là lúc thầy có thể chuyên tâm dành cho những nghiên cứu chuyên sâu, mới mẻ của thầy. Chính vì vậy, cụm công trình Tiểu thuyết Pháp nửa sau thế kỉ XX của GS. Phùng Văn Tửu được Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2005, sau khi thầy nghỉ hưu 3 năm, và cuốn chuyên khảo Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây (NXB KHXH, HN, 2017) của thầy được Giải thưởng Hội nhà văn năm 2017, sau khi thầy nghỉ hưu 15 năm.
Thành tựu về học thuật và dịch thuật của GS. Phùng Văn Tửu đã có nhiều đóng góp cho khoa học. Thầy là một dịch giả quen biết, nổi tiếng về truyện ngắn, tiểu thuyết và các chuyên luận; đồng thời còn là nhà nghiên cứu, phê bình văn học.
Trong thời kì đổi mới văn học, GS. Phùng Văn Tửu có một số bài tham gia vào đời sống văn học Việt Nam được độc giả rất chú ý. Những nghiên cứu của thầy không chỉ là tri thức bổ ích đối với những người nghiên cứu văn học phương Tây, mà còn là tài liệu tham khảo có hiệu quả đối với văn học Việt Nam, khi những người viết văn muốn “đổi mới”, “cách tân” tiểu thuyết.
Hội tụ trong con người GS. Phùng Văn Tửu có một nhà giáo mẫu mực, một học giả uyên bác, lại có cả một con người đời thường nhân ái, chu đáo, lịch lãm và tinh tế.
Có lần Khoa Ngữ văn tổ chức đi du lịch Trung Quốc, GS. Phùng Văn Tửu cùng đi với cô Bùi Thị Bích Ngọc, phu nhân của Thầy. Đến cửa hàng ngọc trai ở Thượng Hải, Thầy đã lựa chọn mua một chiếc nhẫn đính viên ngọc trai rất đẹp, đeo vào ngón tay cho cô, trước con mắt vừa ngưỡng mộ vừa kính nể của mọi người trong khoa. Một hành vi nhỏ, nhưng thể hiện tình yêu, sự quan tâm chu đáo của thầy đối với người bạn đời, vừa có cái ân tình phương Đông, lại vừa có màu sắc lãng mạn phương Tây.
Trong lúc xã hội có những biểu hiện tiêu cực, kể cả trong giáo dục, mặc dù tuổi cao GS. Phùng Văn Tửu vẫn giữ nguyên tư thế người thầy nhân đức, cao khiết; vẫn nghiêm cẩn say mê nghiên cứu khoa học, vẫn một tấm lòng bao dung, chí tình với mọi người, đặc biệt đối với học trò.
GS. Phùng Văn Tửu đã rời cõi tạm đi về thế giới người hiền, để lại nỗi tiếc thương cho gia đình và biết bao thế hệ học trò; nhưng đạo đức của thầy, tấm gương về nhà giáo mẫu mực, về một học giả uyên bác, góp phần vào công cuộc đổi mới nghiên cứu, giảng dạy và sáng tạo văn học, vẫn còn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ sinh viên, giảng viên Khoa Ngữ văn và mái Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Mong thầy hãy yên nghỉ, sẽ có những học trò giỏi noi theo tấm gương sáng của thầy, san lấp nơi trống vắng khoa học mà thầy để lại hôm nay, kế tục sự nghiệp cao cả của thầy!