Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Phạm Quang Vinh chụp ảnh cùng vợ chồng Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy. (Ảnh: NVCC)
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, năm 2003 lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sang thăm Mỹ. Năm 2011, lần đầu tiên có bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam - Mỹ. Năm 2015, tuyên bố tầm nhìn về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Mỹ.
Tiếp đến là chương trình hợp tác 3 năm (2018 - 2021) giữa Mỹ và Việt Nam về hợp tác quốc phòng, trong đó có hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam, hợp tác về quân y và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...
Trong những chuỗi sự kiện này luôn có dấu ấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Đặc biệt, ông luôn nêu ra câu chuyện về khắc phục hậu quả chiến tranh. Tướng Vịnh cho rằng, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh vừa đặt ra niềm tin, hiểu biết, tin cậy giữa hai bên, vừa là cơ sở để tạo ra đột phá trong hợp tác, lĩnh vực khác trong tương lai.
" Trong nỗi lòng của người Việt Nam hay Mỹ sau cuộc chiến tranh đều có những vết thương. Nếu chúng ta làm tốt hợp tác hai nước về công tác nhân đạo, sẽ góp phần làm dịu nỗi đau, tăng cường hiểu biết và tăng cường cơ sở cho hợp tác toàn diện.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh có mối quan hệ rất tin cậy, thân thiết với Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và cả gia đình ông. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy là người đề xuất đạo luật, kêu gọi Quốc hội Mỹ dành ngân sách để giúp đỡ, khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam.
Đặc biệt là việc tháo gỡ bom mìn và tẩy độc môi trường. Câu chuyện này phát triển từng bước và sau đó thành dự án lớn như tẩy độc ở sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng."
Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng cho biết, tướng Vịnh có mối quan hệ thân thiết với ông John McCain. Tướng Vịnh từng cho quân đội đi sưu tầm những kỷ vật thời chiến tranh, nhất là thời ông John McCain còn làm tù binh chiến tranh ở Việt Nam, để trao trả lại những kỷ vật đó tới tận tay ông.
Khi nhận lại những kỷ vật này, ông John McCain nhận ra chữ viết, dấu ấn của mình và rơm rớm nước mắt. Ông John McCain nói: "Đây thật sự là những chữ tôi đã viết, xin cảm ơn Ngài - tướng Vịnh".
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng nghị sĩ John McCain ngày trao kỷ vật. (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh đó, khi làm việc với các đối tác đối ngoại, Tướng Vịnh có cách trao đổi thẳng thắn nhưng đồng thời rất thuyết phục và chinh phục niềm tin của những người đối diện. Đại sứ Phạm Quang Vinh cho hay kể về Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:
" Việc chinh phục niềm tin này không phải chỉ bằng lời nói, với những cam kết đã hứa với đối tác mà bằng những hành động trên thực tiễn. Tướng Vịnh luôn quyết liệt để thực hiện những điều đã cam kết với đối tác.
Năm nay, Tướng Vịnh chia sẻ rất nhiều với bạn bè và trong đó cá nhân tôi về những dự định của mình. Anh ấy muốn làm nhiều lắm. Anh ấy nói: "Mình đã trải qua cùng đồng đội rất nhiều thứ và có nhiều chuyện để ghi lại cho người sau lấy đó làm kinh nghiệm".
Có những cái anh ấy đã đạt được như viết được cuốn sách về người thầy của mình - đó là Tướng Ba Quốc. Nhưng còn rất nhiều những điều khác, trong đó có viết về câu chuyện về khởi động tiến trình ADMM+, tức là Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với 8 đối tác thì không biết anh đã hoàn tất được chưa. Hay là câu chuyện tổng kết lại bằng hình ảnh, bài viết về khắc phục hợp tác Việt - Mỹ trong chiến tranh.
Theo Tướng Vịnh, chúng ta đã đi một chặng đường rất dài, đã làm được rất nhiều nhưng chưa đưa được đầy đủ thông tin đến người dân của hai phía - tức là cả người dân Việt Nam và người dân Mỹ.
Cho nên, chúng ta cần phải ghi lại, cần phải sưu tầm các dữ liệu, hình ảnh để người dân thấy được những hợp tác quý báu cho mối quan hệ ngày nay. Đó là những câu chuyện Tướng Vịnh trăn trở rất nhiều" .
Ghi nhận công lao đóng góp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng được trao tặng: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất của Campuchia; Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự) của Campuchia; Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga; Huân chương Antonio Maceo của Nhà nước Cộng hòa Cuba; Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản.