"Cổng địa ngục" rộng 69 mét và sâu 19 mét đang là địa điểm thu hút du khách. Hàng ngàn người tới khu vực để chiêm ngưỡng mỗi năm.
Ông Green và người đồng hành Geogre Kourounis từng tới khám phá "cổng địa ngục" vào năm 2013. Kourounis là người đầu tiên khám phá đáy cổng địa ngục.
"Trải nghiệm khi đó là khá đáng sợ vì không có lan can bảo hộ nếu vô tình trượt chân", ông Green nói. "'Cổng địa ngục' rất lớn và khu vực bên rìa là nóng nhất. Vào ban đêm, hố sâu này phát sáng tạo ra cảnh tượng đáng kinh ngạc".
Thực tế là từ năm 2022, chính phủ Turkmenistan đã chỉ thị cho các quan chức tìm cách dập tắt "cổng địa ngục", chấm dứt tình trạng khí mê tan rò rỉ ngoài tự nhiên.
Turkmenistan có số dân khoảng 6,3 triệu người, ít hơn dân số ở các thành phố lớn trên thế giới. Nhưng quốc gia Trung Á này là nguồn phát thải khí mê tan lớn nhất thế giới.
"'Cổng địa ngục' góp phần không nhỏ gây ra rò rỉ khí mê tan. Nếu có thể ngăn chặn tình trạng này, thì sẽ rất có ý nghĩa trong việc hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu", ông Green nói.
Có luồng ý kiến phổ biến cho rằng, chỉ cần lấp đầy miệng hố là xong. Nhưng ông Green nói rằng, điều này không giải quyết được tận gốc vấn đề.
"Về cơ bản, đây là tình trạng rò rỉ khí đốt trên diện rộng", chuyên gia này nói. "Trừ khi có thể xác định và bịt được chỗ rò rỉ, còn không thì lấp đầy miệng hố cũng không giải quyết được vấn đề. Có thể cần phải khoan gần miệng hố để hút khí mê tan rò rỉ".
"Tôi rất ủng hộ nỗ lực khiến 'cổng địa ngục' ngừng cháy, nhưng cần có giải pháp lâu dài và khả thi", ông Green nói. Ngoài ra, các giải pháp cũng không quá tập trung vào mỗi mỏ khí Darvaza mà còn cần kiểm soát tình trạng rò rỉ tại các mỏ khai thác khác ở Turkmenistan.