Nhằm giải bài toán khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Logistics, Trường ĐH Trà Vinh đã thành lập Trung tâm đào tạo Logistic và Thương mại điện tử, đồng thời tiên phong ở khu vực ĐBSCL xây dựng chương trình đào tạo Co-op (chương trình đào tạo hợp tác với doanh nghiệp) cho ngành này.
Thông tin của Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Trà Vinh, từ năm 2023, đơn vị chính thức tuyển sinh hai ngành học có nhu cầu “nóng” là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng và Trí tuệ nhân tạo. Trường cũng là thành viên, Chi hội trưởng Chi hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (Valoma) khu vực ĐBSCL. Đây là lợi thế để trường kết nối các doanh nghiệp chuỗi ngành Logistics và triển khai mô hình đào tạo Co-op.
Đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Trà Vinh cho biết thêm, trường xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, gắn với thực tiễn, phục vụ phát triển vùng ĐBSCL và cả nước là một trong số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, trường tập trung đầu tư nhiều ngành đặc thù, mở rộng ngành mới theo hướng đa dạng hóa gắn kết chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực. Đó là các ngành, lĩnh vực về năng lượng, điện, nông nghiệp, thủy sản bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, khoa học sức khỏe, kỹ thuật - công nghệ, kinh tế, logistics, trí tuệ nhân tạo...
Ngành nông nghiệp ĐBSCL đang bước vào giai đoạn phát triển, cần nhân lực qua đào tạo. Các trường đại học đã nắm bắt nhu cầu, tuyển sinh và đào tạo nhiều sinh viên chuyên ngành nông nghiệp, cung ứng nhân lực cho địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nhiều trường gặp khó trong khâu tuyển sinh.
Một trong những nguyên nhân là thí sinh lo ngại học xong chỉ có thể làm việc ở vùng nông thôn. Nhiều em sau khi ra trường chỉ muốn tìm việc tại thành phố, dù trái ngành nghề, bởi cho rằng có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn. Trong khi đó, thị trường lao động tại các địa phương vùng ĐBSCL - nơi có nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản... đang cần nhiều lao động qua đào tạo.
Theo PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TPHCM), khó khăn chung của các trường đại học là ít thí sinh chọn học ngành nông nghiệp.
Để thu hút người học vào nhóm ngành này, nhà trường quyết tâm đào tạo chuyên môn cho giáo viên có chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư trang bị thiết bị mới về nông nghiệp; xây dựng trung tâm thiết bị nghiên cứu để hỗ trợ việc tiếp cận và áp dụng những công nghệ cao trong sản xuất, vận hành nền nông nghiệp hiện đại.
Song song đó, nhà trường trao đổi sinh viên với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, từ đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho tỉnh An Giang mà cả vùng ĐBSCL.