TS Dương Thăng Long - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho hay: nhà trường đã đa dạng hóa ngành nghề, trình độ, hình thức đào tạo. Hiện, trường đang đào tạo 18 ngành, đã được công bố trong Đề án tuyển sinh.
Tùy theo đặc thù của từng ngành, nhà trường chia nhỏ thành các chuyên ngành để quá trình đào tạo được chuyên sâu, trang bị cho các em những kiến thức, kĩ năng để có thể bắt tay vào công việc sau khi ra trường và có thể tham gia vào thị trường lao động.
PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng ban đào tạo, ĐH Thái Nguyên - chia sẻ, ĐH Thái Nguyên đang đào tạo 147 ngành đại học và sau đại học; trong đó có nhiều ngành đào tạo chất lượng cao. Năm nay, ĐH Thái Nguyên có 5 phương thức xét tuyển, với chỉ tiêu 14 nghìn sinh viên.
Đến từ một trường đại học miền Trung, TS Phạm Thanh Nhựt - Phó trưởng Phòng đào tạo, Trường ĐH Nha Trang - cho biết: Nhà trường có 2 mã ngành là thế mạnh, và có nhu cầu nhân lực rất lớn; nhất là ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đó là ngành: Tin học ứng dụng trong nông nghiệp, y dược và ngành quản lý môi trường và sức khỏe nghề nghiệp.
"Những ngành này có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Nam Trung Bộ cũng như cả nước" - TS Phạm Thanh Nhựt nhấn mạnh.