Chuyên gia tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Gia Định trao đổi với học sinh. Ảnh: GDU |
Trường Đại học Luật TPHCM vừa công bố phương thức tuyển sinh năm 2024. Trường dự kiến tuyển 2.100 sinh viên, giữ nguyên hai phương thức xét tuyển. Theo ThS Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo, phương thức thứ nhất gồm tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo đề án riêng chiếm 45%/tổng chỉ tiêu; phương thức thứ hai là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chiếm 55% tổng chỉ tiêu. So với năm 2023, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT tăng 5%.
Tại Trường Đại học Gia Định, 60% chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả học bạ THPT, 30% cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, còn lại 10% cho phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. So với nhiều năm trước, tỷ trọng dành cho phương thức xét kết quả học bạ THPT tăng nhẹ.
Theo TS Mai Đức Toàn, những năm gần đây, xét tuyển bằng học bạ THPT trở thành phương thức nhận được sự quan tâm của các thí sinh. “Sử dụng phương thức này, thí sinh được chủ động xét tuyển, giảm áp lực học tập, thi cử và có cơ hội chọn ngành nghề đa dạng. Hơn thế, tiêu chí và điều kiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập trong suốt quá trình, thể hiện năng lực học tập thời gian dài, không phụ thuộc nhiều vào kết quả các kỳ thi duy nhất”, ông Toàn cho hay.
Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM dự kiến tuyển hơn 8 nghìn chỉ tiêu cho 4 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (50% chỉ tiêu); tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức (10% chỉ tiêu); xét tuyển kết quả học tập năm lớp 12 (30% chỉ tiêu). Tại Phân hiệu Quảng Ngãi, nhà trường tiếp tục triển khai hình thức đào tạo 2+2 (2 năm đầu học tại Phân hiệu Quảng Ngãi và 2 năm tiếp theo học tập tại trụ sở chính ở TPHCM).