Tuyển sinh Đại học 2025: Tiếp tục đổi mới để tạo thuận lợi cho thí sinh

Lê Vân (ghi)/Báo Tin tức 27/11/2024 13:43

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học, dự kiến có hiệu lực từ mùa tuyển sinh 2025. Trong đó, tháo gỡ những bất cập tuyển sinh. Để làm rõ thêm nội dung này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: TH

Thưa Vụ trưởng, những đổi mới nào được đưa ra trongDự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học, dự kiến có hiệu lực từ năm 2025?

Dự thảo Thông tư sửa đổi tập trung vào hai điểm quan trọng đã được trao đổi và thống nhất tại Hội nghị giáo dục đại học tháng 8/2024.

Thứ nhất, khắc phục những bất cập khi cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo. Trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.

Thứ hai, đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông. Những nội dung sửa đổi, bổ sung khác chủ yếu mang tính kỹ thuật, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức đăng ký và xét tuyển.

Có hai cách để tiến hành xét tuyển chương trình, ngành hoặc nhóm ngành đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển: Cách thứ nhất là phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển; Cách thứ hai là quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Trong những năm vừa qua, hầu hết cơ sở đào tạo lựa chọn cách thứ nhất, chủ yếu vì muốn thực hiện xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên, vấn đề là khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn cho việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo, dẫn tới xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển.

Do vậy, dự thảo sửa đổi quy chế lần này quy định cơ bản thống nhất áp dụng cách thứ hai, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.

Một nội dung cũng đáng chú ý trong dự thảo quy định về yêu cầu trong cách thức quy đổi tương đương điểm xét, đó là phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung, đồng thời không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa này.

Nội dung này được xây dựng từ kinh nghiệm điều chỉnh quy định điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng trong quy chế tuyển sinh năm 2022. Theo đó, các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác. Qua đó hạn chế việc lạm dụng gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.

Việc kết quả xét tuyển của các phương thức, tổ hợp đều quy về một thang điểm, thì công táctuyển sinh của các trường thay đổi thế nào?Đồng thời, cơ sở nào để Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định này, khi mức độ của các kỳ thi như tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là khác nhau, thưa Vụ trưởng?

Tác động lớn nhất của quy định mới này là việc xét tuyển sớm của các trường sẽ tự động bị hạn chế. Do vậy, dự thảo Thông tư sửa đổiđã hướng dẫn xác định chỉ tiêu xét tuyển sớm phải bảo đảm điểm trúng tuyển (quy đổi tương đương) của các phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Khi đó, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo. Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất, đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, khi việc xét tuyển sớm bị hạn chế, một số vấn đề bất cập khác cũng sẽ được khắc phục, như việc các trường phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho công việc xét tuyển sớm (mà lợi ích mang lại thực sự chỉ là tâm lý chủ động và yên tâm hơn khi có những kết quả sớm), hay việc nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển (không chỉ ảnh hưởng tới kết quả học tập bản thân mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới việc dạy và học trong lớp, trong trường).

Trước hết, vấn đề đặt ra là dựa trên căn cứ nào các cơ sở đào tạo đưa ra các phương thức hay tổ hợp xét tuyển khác nhau cho một chương trình đào tạo, hay một ngành đào tạo, khi mà yêu cầu đầu vào về nguyên tắc phải như nhau? Chắc chắn phải xuất phát từ việc các phương thức, tổ hợp xét tuyển này đều có các tiêu chí đánh giá phù hợp để đánh giá được năng lực học tập của thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Như vậy, các tiêu chí đánh giá của các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho cùng một chương trình, ngành đào tạo phải đối sánh được với nhau.

Việc quy điểm xét tuyển về cùng một thang điểm là để đảm bảo các trường chọn được những phương thức xét tuyển phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo mà nhà trường đang tuyển sinh, đồng thời so sánh được các thí sinh với nhau để chọn được các thí sinh phù hợp nhất vào học (cho dù có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hay kết quả của các kỳ thi độc lập, chứng chỉ quốc tế).

Nếu các trường không đảm bảo việc đối sánh, so sánh được như vậy, thì căn cứ nào để đưa ra các phương thức xét tuyển khác nhau?

Thực tế trong thời gian qua việc xét tuyển dựa trên chỉ tiêu của từng phương thức mà không dựa trên đối sánh, quy đổi tương đương đã gây mất công bằng giữa các thí sinh. Do đó, các quy định sửa đổi là để làm tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, phải nghiên cứu thấu đáo để không còn tình trạng chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các tổ hợp xét tuyển, giữa các phương thức xét tuyển mà không có căn cứ giải thích.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra các quy định như trên để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục, đó là công bằng, qua đó sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo, chứ hoàn toàn không tạo ra rào cản nào hay có mục đích buộc các trường phải sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Từ hai năm nay, Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Quyền tự chủ nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo luật định phải luôn gắn chặt với trách nhiệm xã hội, trước hết cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục. Luật Giáo dục đại học giao Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh là công cụ quản lý nhà nước để điều chỉnh việc này.

Bộ GD&ĐTđưa ra giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu. Vậy đâu là căn cứ để Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ tiêu này và khẳng định sẽ khắc phục được những bất cập trong tuyển sinh hiện nay, thưa Vụ trưởng?

Dự thảo quy định phải quy đổi tương đương điểm xét và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển, cùng với yêu cầu điểm trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển chung đã tự động hạn chế quy mô xét tuyển sớm.

Việc đưa ra giới hạn 20% là căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT. Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi, tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm? Tại sao các em học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, rồi không yên tâm học tập, trong khi Bộ GD&ĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn thoàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5 - 6 năm trở lại đây) một cách hết sức khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó.

Dự thảo quy chế đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử củaChính phủ và Công Thông tin điện tửcủa Bộ GD&ĐT xin ý kiến xã hội, nhưng những vấn đề và định hướng giải pháp đưa ra ở đây đã được thảo luận trên nhiều diễn đàn, như tại Hội nghị giáo dục đại học tháng 8 năm 2024 vừa qua và trên nhiều trang báo trong thời gian gần đây.

Các điểm sửa đổi của quy chế đều nhằm khắc phục những điểm còn tồn tại trước đây, và ngày càng gia tăng sự công bằng cho các thí sinh khi tham gia xét tuyển. Điều này không ảnh hưởng tới việc học tập của các thí sinh, bởi các em chỉ cần vẫn tiếp tục nỗ lực, trau dồi học lực, năng lực cá nhân, học và ôn tập tốt nhất theo những phương thức mà các em đã và đang chuẩn bị, thìkhi tham gia xét tuyển, khi năng lực thực sự của các em cao hơn sẽ được xét trúng tuyển trước so với các thí sinh khác có năng lực thấp hơn. Các điều chỉnh của quy chế theo hướng làm gia tăng tính công bằng của việc tuyển sinh chỉ làm tăng thêm sự yên tâm, tự tin của các em khi xét tuyển đại học bởi sự cạnh tranh là công bằng nhất có thể.

Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-tiep-tuc-doi-moi-de-tao-thuan-loi-cho-thi-sinh-20241127114143011.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-tiep-tuc-doi-moi-de-tao-thuan-loi-cho-thi-sinh-20241127114143011.htm
Bài liên quan
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Chặn tổ hợp lạ
Một trong những điều chỉnh của Dự thảo Quy chế tuyển sinh là tổ hợp tuyển sinh ít nhất phải có một môn quan trọng là Ngữ văn hoặc Toán...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh Đại học 2025: Tiếp tục đổi mới để tạo thuận lợi cho thí sinh