Trong đó, nổi bật là quy định yêu cầu các cơ sở đào tạo phải xác định ngưỡng điểm đầu vào đối với các môn học nền tảng – được xem như “chốt chặn” mới trong quá trình tuyển chọn thí sinh, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cho các ngành đào tạo.

Theo hướng dẫn này, các trường đại học, cao đẳng khi xây dựng phương thức xét tuyển cần đảm bảo tổ hợp môn hoặc bài thi đánh giá độc lập được thiết kế một cách khoa học, thực tiễn và phản ánh đúng yêu cầu về kiến thức nền tảng cũng như năng lực cốt lõi của thí sinh, phù hợp với chương trình đào tạo của ngành học. Đặc biệt, nếu ngành đào tạo yêu cầu kiến thức nền ở một môn học cụ thể, cơ sở đào tạo phải đặt ra ngưỡng đầu vào tối thiểu cho môn học đó.
Ví dụ, với các ngành như y khoa – đòi hỏi nền tảng kiến thức về sinh học – trường đại học cần quy định rõ điều kiện về điểm môn Sinh học trong học bạ hoặc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tương tự, nếu trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, cần chỉ rõ tỷ lệ điểm của phần kiến thức liên quan trực tiếp đến ngành (chẳng hạn điểm phần Toán học trong bài thi xét tuyển ngành Toán) mà thí sinh bắt buộc phải đạt được.
Mục tiêu của quy định này là nhằm đảm bảo thí sinh được trang bị đầy đủ nền tảng học thuật, tránh tình trạng trúng tuyển vào những ngành đòi hỏi kiến thức chuyên sâu nhưng lại thiếu năng lực cơ bản ngay từ đầu. Điều này cũng giúp các trường sàng lọc ứng viên tốt hơn từ “vòng gửi xe”, nâng cao chất lượng đào tạo đầu vào và giảm tỷ lệ sinh viên phải chuyển ngành hoặc nghỉ học vì không theo kịp chương trình.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, không áp dụng bắt buộc quy định này với một số ngành đào tạo ngoại ngữ khi người học bắt đầu từ trình độ cơ bản, như ngành Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Nga, hoặc một số ngành đặc thù như Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Tin học. Tùy vào đặc điểm chương trình, các cơ sở đào tạo có thể điều chỉnh điều kiện đầu vào sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh các trường không được đặt ra những thủ tục gây phiền hà cho thí sinh, đặc biệt là không được yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan đến sổ hộ khẩu hay xác nhận cư trú, theo đúng tinh thần cải cách hành chính và quy định của Chính phủ.
Với những điều chỉnh này, kỳ tuyển sinh năm 2025 được kỳ vọng sẽ chặt chẽ hơn về mặt học thuật, đồng thời tạo ra môi trường tuyển sinh công bằng, minh bạch và hiệu quả, phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay.