Cô Trần Thị Thu Hoài, giáo viên Trường THCS-THPT Phenikaa (Hà Nội) lưu ý học sinh ôn tập, làm tốt bài thi Sinh học tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều thay đổi trong cấu trúc đề, yêu cầu chuyển dịch từ học thuộc lòng sang đánh giá năng lực tư duy, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Để đạt kết quả cao, học sinh cần xây dựng một lộ trình ôn tập thông minh, chủ động và khoa học.
Cụ thể, từ đề tham khảo Sinh học cho thấy, số bài tập tính toán giảm và tăng câu hỏi khai thác bản chất sinh học qua sơ đồ, bảng biểu, mô hình.
Tỷ lệ câu hỏi mức độ nhận biết là 40%; câu hỏi mức độ thông hiểu 35% và mức độ vận dụng, vận dụng cao 25%.
Kiến thức trọng tâm vào các nội dung: Trọng tâm: Di truyền học, tiến hóa và sinh thái học.
Để ôn tập hiệu quả, cô Trần Thị Thu Hoài cho rằng, học sinh nên chia thành từng giai đoạn với phương pháp, mục tiêu cụ thể.
Giai đoạn 1: Củng cố nền tảng. Học sinh ôn lại lý thuyết trọng tâm, nắm vững công thức, định luật. Các em nên sử dụng sơ đồ tư duy và phiếu hệ thống kiến thức theo chủ đề.
Giai đoạn 2: Luyện bài tập và kỹ năng làm đề. Giai đoạn này, học sinh làm đề theo chuyên đề, rèn tư duy phân tích, kỹ năng xử lý số liệu, bảng biểu. Lưu ý tập trung cả vào câu hỏi vận dụng cao, không né tránh phần khó.
Giai đoạn 3: Thi thử nghiêm túc để làm quen tâm lý phòng thi. Các em làm đề với áp lực thời gian thật, tự chấm - phân tích sai sót - điều chỉnh. Hãy áp dụng chu trình: Làm đề → phân tích lỗi → ghi chú → ôn lại → làm đề mới.
Việc biết tận dụng công nghệ cũng giúp thí sinh ôn tập hiệu quả hơn. Các em có thể sử dụng các nền tảng như Azota, Moon, OLM, Quizizz, cùng app tạo sơ đồ tư duy hoặc flashcard online. Ngoài ra, nên kết hợp với việc học nhóm (có thể học nhóm online) để cùng trao đổi kiến thức, chia sẻ mẹo làm bài.
Đặc biệt, cần lưu ý duy trì thể lực và tinh thần thi cử với việc ngủ đủ, ăn đủ, tập nhẹ mỗi ngày. Hạn chế thức khuya mà phân chia học hợp lý từng ngày.
Khi làm bài thi, trước hết thí sinh cần đọc kỹ đề; hiểu đúng yêu cầu, tránh hiểu sai, đặc biệt ở dạng câu biểu đồ và thí nghiệm.
Kỹ năng quản lý thời gian cũng rất quan trọng. Các em làm trước, làm nhanh và chắc chắn phần dễ (nhận biết/thông hiểu), sau đó xử lý câu khó.
Tâm lý làm bài bình tĩnh, đừng để bị mất thời gian, mất bình tĩnh bởi câu hỏi vận dụng cao.
Cuối cùng, các em hãy ghi nhớ: Hiểu sâu thay vì học vẹt, tự học thay vì học lệ thuộc và rèn đề để vững vàng để sẵn sàng bước vào Kỳ thi. Mỗi học sinh là một hành trình riêng. Chỉ cần nỗ lực đúng hướng, các em hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu mình đặt ra.