Tuyển sinh đại học năm 2024: Chứng chỉ ngoại ngữ có 'hết thời'?

26/03/2024, 14:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mới đây, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu một số tỉnh/thành phố dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS.

“Bộ GD&ĐT vẫn có quy định miễn thi môn Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT năm 2024 với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nằm trong danh mục quy định”, TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin. Tuy nhiên, để sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học thì tùy thuộc quy định khác nhau của mỗi trường.

Mọi năm, danh mục những chứng chỉ ngoại ngữ thí sinh được miễn thi trong xét tốt nghiệp chỉ nêu trong hướng dẫn thi. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã đưa hẳn vào Quy chế thi (phần phụ lục). Điều này chứng tỏ sự quan tâm về chứng chỉ ngoại ngữ được nâng lên.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm đến phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh: Sỹ Điền
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm đến phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh: Sỹ Điền

Khẳng định, có mặt tích cực và hạn chế khi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận thấy, hiện nhiều cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh, đào tạo các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nên yêu cầu đầu vào của sinh viên phải đạt được trình độ ngoại ngữ nhất định. Yêu cầu này cũng phù hợp với những ngành về Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Tiếng Anh, Kinh doanh Quốc tế…

Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học có hạn chế nhất định. Chẳng hạn, có thể không công bằng vì các trường phải dành chỉ tiêu để xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ nên chỉ tiêu cho các phương thức còn lại giảm xuống, khiến điểm chuẩn tăng lên.

Với thí sinh ở vùng sâu, xa, không có điều kiện học ngoại ngữ, vô hình trung trở thành nhóm yếu thế khi trường đại học xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Do đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề xuất, Nhà nước cần đầu tư phát triển ngoại ngữ ở vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách về trình độ ngoại ngữ những vùng này với khu vực đồng bằng, thành thị. Đối với các trường đại học, chỉ tiêu xét chứng chỉ ngoại ngữ chỉ tối đa 10%, nên dành phần lớn chỉ tiêu để tất cả thí sinh có thể cùng cạnh tranh trên thang đo chung.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), thay vì là tiêu chí duy nhất để xét tuyển, chứng chỉ ngoại ngữ thường là một trong những tiêu chí để kết hợp với kết quả quan trọng khác của thí sinh như: Học tập THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT…

Ưu thế của chứng chỉ này thường dành cho các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến chất lượng cao, chương trình sinh viên tài năng, kỹ sư tài năng, liên kết với đối tác nước ngoài. Ở những chương trình này, việc đào tạo bằng ngôn ngữ nước ngoài là trọng yếu; do đó chứng chỉ ngoại ngữ là công cụ cần thiết để các em có thể theo học.

“Theo thống kê trên toàn hệ thống, phương thức truyền thống là xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tất cả phương thức mà chúng tôi ghi nhận năm 2023”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho hay.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2024-chung-chi-ngoai-ngu-co-het-thoi-post676770.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2024-chung-chi-ngoai-ngu-co-het-thoi-post676770.html
Bài liên quan
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Chặn tổ hợp lạ
Một trong những điều chỉnh của Dự thảo Quy chế tuyển sinh là tổ hợp tuyển sinh ít nhất phải có một môn quan trọng là Ngữ văn hoặc Toán...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh đại học năm 2024: Chứng chỉ ngoại ngữ có 'hết thời'?