Theo ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 diễn ra thành công. Qua kỳ thi này, Sở đánh giá khách quan hơn về kết quả học tập của học sinh. Nó góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học trong giai đoạn hiện nay.
Về nguyên tắc xét tuyển, việc ưu tiên NV1 trước sau đó mới xét đến NV2 đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Việc đăng ký các nguyện vọng này nhằm đảm bảo cho học sinh và phụ huynh học sinh cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi đăng ký dự tuyển vào một trường cụ thể. Nó giúp bảo đảm trong công tác tuyển sinh của tỉnh được thực hiện một cách công bằng, minh bạch.
Việc quy định điểm sàn là không phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Quảng Bình. Nếu quy định chung điểm sàn toàn tỉnh, học sinh ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn, mặt bằng dân trí thấp thì tỷ lệ tuyển sinh của các trường THPT đóng trên địa bàn sẽ không đảm bảo chỉ tiêu được giao. Nó ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục tại địa phương. Nếu quy định điểm sàn cho từng vùng miền khác nhau hay riêng cho vùng Đồng Hới thì không có căn cứ để thực hiện…
Không để học sinh phải nghỉ vì thiếu trường lớp
Ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Kỳ thi, tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022 đã diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, có nhiều đổi mới sáng tạo, đảm bảo an toàn…
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh năm nay đã phát sinh vấn đề bất cập. Hàng trăm học sinh giỏi, khá và có kết quả thi tốt, có nguyện vọng chính đáng vào học trường THPT nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển. Trong khi đó, một số lượng học sinh có kết quả học tập trung bình, thi đạt kết quả thấp trúng tuyển.
Ông Hồ An Phong cho rằng, sự bất cập này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục THPT, đến chủ trương phân luồng giáo dục, gây bức xúc dư luận. Nguyên nhân chính là do mất cân đối giữa nhu cầu dự tuyển của các trường và phương pháp tuyển sinh chưa linh hoạt.
Để giải quyết những tồn tại sau kỳ thi, Quảng Bình đã yêu cầu Sở GD&ĐT cùng các cơ quan ban ngành liên quan tổng hợp chính xác nhu cầu phát sinh trên cơ sở các quy định hiện hành. Rà soát lại mạng lưới trường, lớp học, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nghiên cứu các quy định về định biên, biên chế giáo viên, định mức về số lớp học, các quy định về phân luồng giáo dục phổ thông... Từ đó, có đề xuất cụ thể, không để trường hợp nào học sinh sau tốt nghiệp THCS phải nghỉ học vì không có trường lớp.