Không chỉ vậy, việc ủy quyền cho huyện được cho là sẽ đưa mức đấu giá khởi điểm về sát với thực tế và đẩy nhanh tiến độ định giá, đấu giá đất.
Anh Phạm Văn Đạt - khách hàng đấu giá cho biết: "Giá khởi điểm đấu giá thời gian vừa qua hơi cao, chưa hợp lý. Kỳ vọng là huyện đưa ra giá khởi điểm của các cuộc đấu giá hợp lý hơn".
UBND huyện được ủy quyền quyết định giá đất cụ thể (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Thực tế, tại Hà Nội, từ tháng 6/2022, thành phố đã ủy quyền cho huyện điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá đất, làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá tại bảng giá đất dưới 30 tỷ đồng. Nghị quyết 73 lần này, tiếp tục là một bước tiến mới trong việc đấu giá đất. Thay đổi mới trong quy định về đấu giá đất được các địa phương đón nhận tích cực, giúp việc đấu giá thuận lợi hơn, tạo nguồn thu kịp thời cho ngân sách.
"Trước kia thành phố xác định giá khởi điểm chúng tôi gửi lên cũng phải mất 3 - 4 tháng mới xong một giá đất, nhưng bây giờ nếu giao cho huyện chủ động chỉ mất nửa tháng là huyện đã ra được giá đất cụ thể của khu mà huyện định xác định giá", ông Hoàng Quốc Thịnh - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch - UBND huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết.
Bà Đỗ thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty đấu giá Lạc Việt đánh giá: "Theo tôi là đã giao gần như chúng ta sẽ giao tất, chỉ một vài những dự án trọng điểm lớn có quy mô hoặc điểm nhấn của quận huyện đó, hoặc là chúng ta đấu dự án chủ đầu tư có thể để thành phố quyết định. Còn lại những gì sát sườn với dân để giải quyết nhanh tiến độ công việc nên giao cho huyện...".
Nghị quyết 73 có hiệu lực kể từ ngày 6/5 và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành.