Thụy Điển sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các tiêm kích JAS 39 Gripen, nhưng Ukraine đã từ chối.
Ukraine từ chối nhận các tiêm kích JAS 39 Gripen do Thụy Điển sản xuất.
Theo báo Ukraine Defense Express, các cuộc đàm phán về việc Thụy Điển cung cấp chiến đấu cơ Gripen cho Ukraine thực tế đã dừng từ tháng 5/2024. Ở thời điếm đó, Thụy Điển nêu lý do là ưu tiên để các đồng minh NATO cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố gần đây, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói quyết định dừng cung cấp chiến đấu cơ Gripen thực tế đến từ chính Kiev.
"Quyết định này không liên quan gì đến chính phủ Thụy Điển. Ukraine đưa ra quyết định vì không muốn vận hành đồng thời tiêm kích Gripen và chiến đấu cơ F-16', ông Billstrom tiết lộ với truyền thông Mỹ.
Ông Billstrom nói Thụy Điển vẫn luôn cởi mở về khả năng cung cấp chiến đấu cơ nếu Kiev "cảm thấy cần thiết".
Theo Defense Express, Ukraine từ chối nhận tiêm kích Gripen vì Thụy Điển nhiều khả năng chỉ cung cấp một vài chiếc, trong khi phương Tây đã cam kết gửi 80 chiếc F-16 cho Ukraine. Các thỏa thuận liên quan đến chiến đấu cơ F-16 cũng cho thấy quá trình chuyển giao tốn thời gian như thế nào.
"Vấn đề không chỉ là cung cấp máy bay và huấn luyện phi công. Đây là những hệ thống phức tạp và việc triển khai hai hệ thống cùng một lúc là quá nhiều", ông Billstrom nói, khi được hỏi về lý do Ukraine từ chối.
Mặc dù từ chối tiêm kích Gripen nhưng Ukraine vẫn có thể nhận thêm chiến đấu cơ khác từ phương Tây. Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Paris sẽ cung cấp chiến đấu cơ Mirage 2000 cho Ukraine. Pháp sẽ huấn luyện phi công Ukraine và cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết. Ông Macron không cho biết thời điểm chuyển giao trong tuyên bố.
Phát biểu tại hội nghị NATO vào tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây cung cấp thêm chiến đấu cơ F-16. "Kiev cần 128 chiếc F-16 để có thể đối phó Nga hiệu quả", ông Zelensky nói.
Hôm 10/7, Na Uy thông báo cung cấp cho Ukraine 6 chiếc F-16, thay vì 22 hay 10 chiếc như dự đoán.