Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh tạo công bằng, giảm sai sót

Minh Phong | 09/03/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ thành công trong công tác tuyển sinh năm 2022, năm nay, toàn bộ quy trình tuyển sinh tiếp tục được tăng cường ứng dụng công nghệ.

Theo đó, từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học sẽ được liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành HEMIS.

Nhất quán thông tin

Năm học 2022 – 2023, Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) có 273 học sinh lớp 12. Cô Trần Thị Xuân Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, qua khảo sát sơ bộ, 100% học sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT. Đa số học sinh sẽ tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng. Hiện số học sinh này đã có mã định danh, căn cước công dân.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho học sinh, đồng thời lưu ý các em kiểm tra thông tin cá nhân, đối tượng ưu tiên để không bị nhầm lẫn, sai sót. Riêng về học bạ THPT, sau khi kết thúc năm học, nhà trường sẽ cập nhật dữ liệu lên hệ thống để thuận tiện cho các em tham gia xét tuyển vào đại học” – cô Hà chia sẻ.

“Với học sinh trường chuyên, đa số được làm quen với máy tính, công nghệ thông tin nên việc đăng ký trên hệ thống không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhà trường liên tục nhắc nhở, lưu ý học sinh kiểm tra, đối chiếu, rà soát để các thông tin được nhất quán và không bị “lệch pha”” – cô Thu trao đổi.

Năm nay, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) có gần 450 học sinh lớp 12. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu cho hay, từ năm 2022, việc nhập dữ liệu của học sinh lên hệ thống được thực hiện nhịp nhàng. Do đó, năm nay việc này sẽ không làm khó cho thầy – trò. “100% học sinh lớp 12 của trường đã có căn cước công dân, mã định danh. Riêng phần học bạ THPT của học sinh, khi kết thúc học kỳ II, chúng tôi sẽ cập nhật lên hệ thống trong thời gian sớm nhất”- cô Thu chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của năm trước, cô Thu bật mí, để không xảy ra sai sót, nhà trường quán triệt sớm cho thí sinh về quy trình đăng ký dự thi, xét tuyển bằng phương thức trực tuyến. Ngoài ra, cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT. Chỗ nào chưa rõ nên mạnh dạn hỏi để được giải đáp, không nên tự ý làm khi chưa biết chính xác và càng không nên “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết, sở sẽ bám sát chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để thực hiện các quy trình liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng; trong đó có việc cập nhật dữ liệu của học sinh lớp 12 lên hệ thống. Theo đó, muộn nhất là ngày 31/3, sở GD&ĐT hoàn thiện việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh tạo công bằng, giảm sai sót ảnh 1

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: TG

Tạo công bằng cho thí sinh

Tán thành với chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) - nhấn mạnh, cần cung cấp sớm dữ liệu và công cụ đánh giá thí sinh qua hai phương thức xét học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Dựa vào độ tin cậy tương quan của 2 kết quả này, cơ sở giáo dục đại học có giải pháp tốt hơn khi tuyển sinh.

Nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh là cần thiết; tuy nhiên để công tác này được thuận lợi, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) - đề nghị, các sở GD&ĐT cần chỉ đạo, hướng dẫn trường THPT trực thuộc, sớm cập nhật điểm kết quả học tập (học bạ) lên hệ thống. Việc này nhằm tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học có cơ sở dữ liệu chuẩn khi tiến hành xét tuyển. Ngay trong năm nay, quy trình tuyển sinh, từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học cần được liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đó là phần mềm HEMIS.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - khẳng định, năm 2023, Bộ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh. Theo đó, Bộ sẽ kết hợp tất cả phần mềm liên quan tới tuyển sinh, kết nối cơ sở dữ liệu ngành (điểm kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT) với cơ sở dữ liệu HEMIS. Khi xác nhận nhập học, thí sinh cũng thực hiện ngay trên nền tảng này. Với hệ thống HEMIS, thông tin được minh bạch từ đầu vào, cho đến đầu ra.

Với thí sinh, hệ thống HEMIS sẽ hỗ trợ tối đa, tránh nhầm lẫn phương thức khi đăng ký xét tuyển. Các em đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh, tức là theo ngành, chứ không phải đăng ký theo phương thức. Thí sinh chỉ cần quan tâm mình muốn vào ngành nào, rồi đăng ký mã ngành (hoặc chương trình đào tạo) đó. Thí sinh có thể sử dụng bất kỳ kết quả nào mà các em đang có để trúng tuyển vào ngành. “Muộn nhất là ngày 31/3, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành trên hệ thống HEMIS phục vụ công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị, Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học hoàn thiện hệ thống công nghệ. Cần tạo công bằng cho thí sinh ngay từ khi tiếp cận thông tin. Về mặt kỹ thuật, hệ thống công nghệ và cơ sở dữ liệu tiếp tục hoàn thiện để giảm thiểu sai sót cho thí sinh.

“Bộ GD&ĐT đã hoàn thành, nghiệm thu cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Năm nay, xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này” – Thứ trưởng thông tin.

Đối với các sở GD&ĐT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho học sinh, đặc biệt là các em lớp 12; trong đó cần hoàn thiện mã định danh, căn cước công dân. Các dữ liệu cần bảo đảm nhất quán, không có sai sót. Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng tài liệu để tổ chức tập huấn, tuyên truyền, định hướng cho thí sinh để các em không bỡ ngỡ với việc đăng ký trên hệ thống; quan trọng là bản thân có trách nhiệm trong quá trình đăng ký.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh tạo công bằng, giảm sai sót