“Lúc này, giáo viên chỉ là người đặt ra vấn đề, hướng dẫn, giúp trẻ tự tìm ra giải pháp, cùng nhau thảo luận… Bằng kỹ năng được cô hướng dẫn, các bé sẽ đo và đưa ra các kết quả theo sự hiểu biết của mình. Cô giáo quan sát, hỏi về kết quả, các con giải thích vì sao đưa ra kết quả đó, nhận xét và so sánh kết quả giữa các bạn. Thao tác cuối cùng, giáo viên củng cố kiến thức cho con trẻ. Như vậy, STEM có tính ứng dụng cao”, cô Diệu phân tích.
Tiết học của cô trò Trường Mầm non Sasuke (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh Văn Đức |
Bà Phan Thị Hoàn, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đánh giá cao hiệu quả của việc ứng dụng STEM vào giảng dạy ở bậc mầm non. Phương pháp này khuyến khích trẻ áp dụng kiến thức vào thực tiễn, trẻ bước đầu được tiếp cận với những quy trình tạo ra một sản phẩm nào đó, hay làm quen với những “công nghệ và các phát minh” trong phạm vi hiểu biết của trẻ. Đặc biệt qua các hoạt động giáo dục STEM, trẻ rất mạnh dạn, tự tin, hoạt động tự nhiên, hứng thú.
Giáo viên chủ động, linh hoạt trong các hoạt động giáo dục, luôn say sưa tìm tòi để sáng tạo, đổi mới từng ngày. Từ đó, giờ học trở nên hấp dẫn hơn, nhẹ nhàng, không áp đặt, rập khuôn. Các cô giáo không cần nói nhiều mà chỉ cần tổ chức các hoạt động sao cho sinh động, hấp dẫn hướng tới kết quả mong đợi của đề tài.
Tại địa bàn huyện Hương Khê, một trong những thuận lợi của quá trình triển khai STEM vào giáo dục mầm non là kế thừa những kết quả đạt được từ quan điểm “giáo dục tích hợp” và “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” nên khi triển khai thực hiện thì giáo viên cũng không quá khó để nhận diện vấn đề.
Nội dung giáo dục STEM rất phong phú, nếu giáo viên biết tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo thì mọi thứ xung quanh đều có thể khai thác, khơi gợi ý tưởng cho trẻ hoạt động. Đối với những hoạt động giáo dục STEM theo quy trình khám phá trải nghiệm thì giáo viên và trẻ dễ dàng tìm kiếm, sưu tầm nguyên vật liệu để phục vụ cho hoạt động như nông sản, nguyên vật liệu tái chế, nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có ở địa phương.
Bà Phan Thị Hoàn chia sẻ: “Bên cạnh điểm thuận lợi, chúng tôi cũng phải đối mặt với một số khó khăn như cơ sở vật chất, môi trường giáo dục của các trường chưa đáp ứng yêu cầu, các hoạt động giáo dục STEM theo quy trình thiết kế kỹ thuật, thiếu kinh phí để thực hiện. Đặc biệt, đồ dùng, đồ chơi mang tính trí tuệ, kỹ năng, quy trình kỹ thuật cũng chưa có để thực hiện. Một số trường hàng năm bị ảnh hưởng lũ lụt nên việc xây dựng môi trường giáo dục nhằm áp dụng phương pháp giáo dục STEM gặp rất nhiều khó khăn”.