Đối với Phạm Văn Diệt, bị cáo là người thực hiện theo chỉ đạo của ông Hệ trong việc điều hành hệ thống Công ty Đức Bình, đặc biệt là đối với Công ty Cái Mép, trong đó có việc triển khai và xác định không khai báo thuế, đóng thuế. Do đó, bị cáo Diệt được xác định là người có vai trò thực hành cho Đinh Ngọc Hệ.
Tương tự, bị cáo Toàn biết phải khai báo thuế và xuất hóa đơn cho các khoản thu của Công ty Cái Mép. Dù vậy, vì nghe theo chỉ đạo của bị cáo Diệt, bị cáo đã không thực hiện kê khai thuế nên xác định là đồng phạm giữ vai trò người thực hành.
Cho thuê lại đất quốc phòng nhưng né kê khai
Cáo trạng của VKS Quân sự Trung ương xác định Đinh Ngọc Hệ là người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng). Hệ đã nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn để thành lập một số công ty, trong đó có Công ty Đức Bình và Công ty Cái Mép.
Theo HĐXX, người được hưởng lợi lớn nhất trong vụ việc này chính là Đinh Ngọc Hệ nên có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Hệ đã chỉ đạo việc trốn thuế.
Các công ty trên có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa là độc lập nhưng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hệ và sự điều hành của Diệt.
Năm 2010, ông Hệ chỉ đạo bổ nhiệm Diệt làm tổng giám đốc điều hành Công ty Đức Bình. Bị cáo Hệ có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, lấy Công ty Đức Bình làm trung tâm để điều hành các công ty khác.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3-2008 đến tháng 4-2016, Công ty Cái Mép ký hợp đồng liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị quân đội trên tám khu đất quốc phòng (bản chất là thuê đất). Sau đó, công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác khác để thu về khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp đồng (bản chất là cho đối tác khác thuê lại).
Khi thực hiện cho thuê lại đất, Hệ đã chỉ đạo Diệt điều hành, thống nhất với Toàn không thực hiện kê khai, kê khai thuế không đầy đủ, không xuất hóa đơn cho các khoản thu.
Tổng doanh thu mà Công ty Cái Mép đã thu theo các hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác trên tám khu đất quốc phòng là 133,6 tỉ đồng, từ đó trốn thuế số tiền hơn 39 tỉ đồng.
Ngoài tuyên án đối với các bị cáo, HĐXX cũng tuyên buộc Công ty Cái Mép phải nộp lại 39,7 tỉ đồng. Đồng thời, buộc các cổ đông phải chuyển trả lại toàn bộ cổ phần cho ông Hệ trong Công ty Cái Mép và tiếp tục duy trì các lệnh phong tỏa, kê biên tài sản mà trước đó cơ quan chức năng đã kê biên.
Án chồng án Trước khi bị đưa ra xét xử về tội trốn thuế, năm 2018, Đinh Ngọc Hệ bị Tòa án Quân sự Trung ương xử phạt 12 năm tù về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tiếp đến, năm 2020, Tòa án Quân sự Trung ương tiếp tục tuyên phạt bị cáo Hệ 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến năm 2021, bị cáo này nhận bản án thứ ba của TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 13 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt chung của ba bản án là tù chung thân. |