Ưu tiên củng cố, phát triển cơ sở giáo dục khu vực Tây Nguyên

Dung Nguyễn | 23/03/2023, 18:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 24/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Đắc Lắk.

Đẩy mạnh kiên cố hoá trường lớp

Trong những năm qua, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại khu vực Tây Nguyên tăng dần. Riêng năm 2021, con số này là 12.812 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2011.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học những năm qua khu vực Tây Nguyên tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Năm học 2020-2021, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu vùng Tây Nguyên đạt 61% (cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, và cao hơn 6,6% so với bình quân cả nước).

Không những thế, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong năm 2022, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 – 2026. Riêng khu vực Tây Nguyên, năm học 2022 - 2023, được bổ sung 2.037 biên chế giáo viên các cấp.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục vùng Tây Nguyên cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Theo đó còn trường có quy mô nhỏ, cấp tiểu học, mầm non còn nhiều điểm trường lẻ. Không ít cơ sở giáo dục trên địa bàn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải nên học sinh phải học 2 ca, học nhờ, học tạm. Ngoài ra, số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập.

Đồng thời, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên được điều động, tăng cường, luân chuyển từ vùng có điều kiện thuận lợi lên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gặp một số vướng mắc. Không những thế, giáo viên công tác ở các xã khu vực III - đạt chuẩn Nông thôn mới, thôi hưởng hỗ trợ làm ảnh hưởng đến mức sống, điều kiện sinh hoạt và tâm lý gắn bó với nghề.

Ưu tiên củng cố, phát triển cơ sở giáo dục khu vực Tây Nguyên ảnh 3
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (Đắk Lắk) ngày 23/3.

Nhằm phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập. Từ đó giảm điểm trường lẻ để đảm bảo cho trẻ em, học sinh được chăm sóc, giáo dục ở điểm trường trung tâm. Bên cạnh đó đa dạng hóa mô hình giáo dục và phương thức học tập để phù hợp với mọi người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Trong đó ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên sẽ thực hiện việc tuyển dụng số biên chế được giao bảo đảm về số lượng và chất lượng. Đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên theo lộ trình.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời hợp tác, kết nối và liên kết vùng, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Sáng 24/3, tại Đắk Lắk, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT sẽ dự Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/uu-tien-cung-co-phat-trien-co-so-giao-duc-khu-vuc-tay-nguyen-post631346.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/uu-tien-cung-co-phat-trien-co-so-giao-duc-khu-vuc-tay-nguyen-post631346.html
Bài liên quan
Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa bài thi V-SAT để tuyển sinh đại học
Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) vừa công bố đề minh họa 8 bài thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên củng cố, phát triển cơ sở giáo dục khu vực Tây Nguyên