Ưu tiên lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề

Ngọc Trang | 06/10/2022, 06:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất bổ sung quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm với lao động có chứng chỉ nghề.

Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất bổ sung quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề.

Chưa gắn kết với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến việc sử dụng người lao động đã qua đào tạo, người lao động đã có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trước đây được quy định tại Luật Dạy nghề năm 2006. Hiện nay, các quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại Chương IV, Luật Việc làm, gồm 7 Điều.

Các quy định tại Luật Việc làm đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nguồn nhân lực. Nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, các quy định về học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động tại Hiến pháp năm 2013. Điều này tạo khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ cho việc tổ chức thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Các quy định về nguyên tắc, nội dung đánh giá kỹ năng nghề quốc gia về cơ bản phù hợp, bám sát mục đích đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Đồng thời, bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch, tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện. Cùng với đó là sự tương thích và phù hợp với việc thực hiện các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhất là xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngoài ra, các quy định này cũng bước đầu thu hút được sự hợp tác quốc tế trong việc chuẩn hóa chất lượng lao động trên cơ sở phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đây là cơ hội, tiền đề hỗ trợ người lao động trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về vai trò, sự cần thiết trong việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là công nhận lẫn nhau về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giữa Việt Nam với các nước khác.

Tuy nhiên, theo tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH, hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hiện nay chưa gắn kết với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Đồng thời, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Chưa có quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được kiện toàn, quy mô còn nhỏ, yếu về năng lực như nhân lực, thiết bị, tài chính. Bên cạnh đó, chưa có nghề nào được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc 4 và 5.

Ưu tiên lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề ảnh 1

Ảnh minh họa/INT

Khuyến khích tham gia đánh giá

Trước những thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Cùng với đó là quy định về tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Để thực hiện, Bộ này đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động về phát triển nguồn nhân lực. Nhất là nhân lực trình độ cao (bậc 4 và bậc 5 theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tương đương). Bên cạnh đó, bổ sung quy định về kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Mục đích để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 và hệ thống pháp luật.

Cơ quan này cũng đề xuất bổ sung quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Bên cạnh đó là chính sách tôn vinh người lao động có trình độ kỹ năng nghề cao xuất sắc như giải thưởng quốc gia kỹ năng lao động xuất sắc...

Đồng thời, bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào các hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Cụ thể, bổ sung quy định về khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề. Cùng với đó là quy định về văn hóa lao động Việt Nam.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất bổ sung quy định về thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí về đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Bên cạnh đó là quy định về quỹ phát triển kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động…

Khuyến nghị về một số định hướng trong sửa đổi Luật Việc làm, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, Luật Việc làm cần đưa ra được hướng dẫn đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động. Đặc biệt là việc thúc đẩy tạo việc làm, bao gồm cả các lĩnh vực liên quan đến phát triển kỹ năng được quy định trong luật, cũng như quyền và trách nhiệm của người tìm việc.

Theo đó, luật cần có sự linh hoạt để có thể định kỳ sửa đổi các ưu tiên về thị trường lao động, để có thể bắt kịp các thay đổi diễn ra trên thị trường.

Luật Việc làm cũng cần phải định hướng chung cho sự phát triển thị trường lao động và hoạt động thúc đẩy tạo việc làm ở Việt Nam. Định hướng này phải bao trùm cả vai trò của di cư, an sinh xã hội, giới, kỹ năng. Ngoài ra, cần phải liên kết với thương mại, chính sách công nghiệp, công nghệ, năng suất, bảo vệ môi trường trong mối liên kết với việc làm xanh và các lĩnh vực khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề