Gần đây nhất, Hội Sinh viên trường đã trao học bổng, tặng quà là 15 “Máy tính cho em” và công trình “Tủ sách cho em” với hơn 500 cuốn sách, truyện cho học sinh Trường PTDTBT THCS Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn)…
“Việc tổ chức và mở rộng các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm tạo môi trường cho sinh viên có cơ hội làm việc theo nhóm, hình thành và trau dồi kỹ năng mềm; củng cố, bổ sung kiến thức chuyên ngành ngoài các giờ học trên lớp và tự học. Đoàn trường kêu gọi tuổi trẻ toàn trường cùng lan toả, truyền cảm hứng về khát vọng cống hiến, sống đẹp, sống có ích để kết nối sức trẻ Trường Đại học Vinh với tuổi trẻ toàn tỉnh, cũng như cả nước”, anh Nguyễn Thái Dũng – Bí thư Đoàn Trường ĐH Vinh chia sẻ.
CLB Hiến máu tình nguyện Trường ĐH Y khoa Vinh. |
Trường PTDTBT THCS Na Ngoi đóng ở xã biên giới cao nhất huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, tất cả học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu trong dạy học. Trường vẫn thiếu nhiều phòng chức năng, trang thiết bị mới, hiện đại. Trong chương trình tình nguyện mùa Đông vừa qua, nhà trường đã nhận món quà ý nghĩa là máy tính và công trình Tủ sách cho em do Hội Sinh viên Trường ĐH Vinh trao tặng.
Thầy Phạm Mạnh Hùng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trước đó, nhà trường đã có phòng tin học, nhưng nhiều máy móc hư hỏng, không sử dụng được nữa. Được bổ sung 15 máy tính mới giúp nhà trường thuận lợi trong dạy học. Học sinh có điều kiện tiếp cận với máy tính, trang bị kỹ năng tin học cơ bản.
Bên cạnh đó, thầy trò cũng sử dụng hiệu quả công trình Tủ sách cho em. Việc đọc sách, hình thành văn hóa đọc đối với học sinh dân tộc thiểu số rất ý nghĩa, vừa để rèn kỹ năng đọc – hiểu tiếng Việt, vừa mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức, bù đắp thiếu hụt cho các em ở vùng sâu vùng xa.
Nhiều năm nay, các em nhỏ tại Làng trẻ SOS, thành phố Vinh đã quen thuộc với màu áo xanh của các anh chị sinh viên tình nguyện đến cùng chơi đùa, chia sẻ, dạy học miễn phí. Đây là hoạt động trở thành truyền thống của sinh viên Trường Đại học Vinh, gồm chủ yếu các bạn ở khoa, ngành của Trường Sư phạm và Khoa Sư phạm Ngoại ngữ.
Riêng dịp hè năm 2023, Đội sinh viên tình nguyện số 2315 gồm 170 đội viên đã đảm nhận trách nhiệm hỗ trợ ôn tập cho trẻ Làng SOS Vinh ở nhiều môn học với thời khóa biểu rõ ràng. Trịnh Thị Ngọc Dương - Đội phó Đội sinh viên tình nguyện 2315 chia sẻ, qua trò chuyện, em cảm nhận được các bạn nhỏ ở đây đều là những hoàn cảnh, số phận thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm.
Khi được đưa vào làng, các em đều ngoan và có tinh thần ham học hỏi, vượt lên số phận. Vì vậy, các thành viên của đội tình nguyện luôn cố gắng, trách nhiệm trong ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị hành trang năm học mới cho các em. Đồng thời sau dịp hè, đội vẫn tiếp tục hỗ trợ trẻ em Làng SOS trong học tập và tạo các sân chơi bổ ích khác.
Em Nguyễn Thị Hiền (học lớp 11) và em gái 5 tuổi được nhận vào Làng trẻ SOS cách đây hơn 3 năm, khi không có người thân chăm sóc. Lớn lên dưới mái ấm của làng, em luôn thấy biết ơn khi có một ngôi nhà chung, có mẹ và nhiều anh chị em.
“Em được làm quen với nhiều đội tình nguyện viên qua các năm. Các anh chị luôn nhiệt tình dạy học miễn phí vào dịp hè và tranh thủ thời gian rảnh trong năm học. Bên cạnh dạy học, em và các anh chị cũng chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống, định hướng tương lai. Nhờ đó, em biết thêm nhiều điều mới mẻ và dự định sau này thi sư phạm để cũng được đồng hành với các bạn nhỏ”, Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Anh Nguyễn Duy Dũng - nhân viên phụ trách Giáo dục, Làng trẻ SOS cho biết thêm, tại làng, các em sống trong mái nhà chung với khoảng 10 – 12 trẻ, nhiều lứa tuổi khác nhau và chỉ có 1 mẹ chăm sóc. Việc học ở trường chủ yếu là giờ chính khóa và không có điều kiện để học thêm tại trung tâm ngoài. Vì vậy, có sinh viên, đoàn viên thanh niên tình nguyện thường xuyên giúp đỡ, dạy học đã giúp trẻ học tập lẫn rèn kỹ năng. Đồng thời cũng hỗ trợ cho Làng trong quá trình giáo dục, chăm sóc trẻ trưởng thành.
Anh Lê Văn Lương – Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An ghi nhận sự phối hợp của Đoàn Thanh niên của các trường đại học chiếm phần quan trọng trong hoạt động chung của tuổi trẻ toàn tỉnh.
Các bạn đoàn viên, sinh viên đã đóng góp cả lực lượng lẫn tài năng, nhiệt huyết tuổi thanh xuân cho chương trình, chiến dịch tình nguyện, với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Thông qua hoạt động đó, thanh niên, sinh viên tình nguyện có trải nghiệm ý nghĩa với bản thân. Từ đó trưởng thành hơn, sống đẹp, sống có ích, sống trách nhiệm với xã hội.