Cũng tại Quảng Ninh, từng xôn xao vụ một con mực giá 7 triệu đồng, khiến du khách Nhật Bản ngao ngán mãi không quên – khi hải sản Việt Nam đắt gấp mấy lần ở Nhật.
Tiếng lành đồn xa thì tiếng dữ cũng đồn xa. Hình ảnh về văn hóa kinh doanh của Việt Nam sẽ xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, kéo theo hàng loạt những hệ lụy - mà đầu tiên chính là những khó khăn khi quảng bá văn hóa ẩm thực.
Làm ăn chộp giật, coi trọng lợi nhuận bất chính qua hành vi “chặt chém” người thưởng thức ẩm thực phải được coi là một tệ nạn. Đã là tệ nạn thì phải đấu tranh, loại bỏ triệt để thì mới có cơ hội hình thành được nền ẩm thực có văn hóa.
Nếu cứ để tình trạng người xây - kẻ phá, thì việc xây dựng nền văn hóa ẩm thực sẽ khó thành hiện thực. Chủ nhà hàng, người bán đồ ăn cần có ý thức thức trách nhiệm và lòng tự trọng trong việc chế biến và cân đối lợi nhuận sao cho hài hòa.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần tính đến phương án căn cốt, không thể tin tưởng tuyệt đối hay phó thác trách nhiệm cho người kinh doanh. Nếu cứ để việc “chặt chém” xảy ra rồi mới xác minh xử lý – thì chẳng khác nào một bức tranh đẹp chờ kẻ phá hoại làm cho nhem nhuốc.
Bức tranh hỏng rồi, việc xử lý kẻ phá hoại cũng chỉ là một thủ tục hành chính – không mấy tác dụng. Văn hóa còn hơn thế, đó là thứ không thể tẩy xóa. Bởi vậy, cách tốt nhất để gìn giữ là đừng để những thứ nhem nhuốc làm vấy bẩn văn hóa.