Văn hóa phát ngôn

09/11/2023, 15:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mới đây mạng xã hội xôn xao chuyện một giáo viên chủ nhiệm ở Thanh Hóa gửi thông tin học sinh vi phạm đến nhóm phụ huynh trên mạng xã hội.

Không chỉ bị “nêu” tên, cô còn “bêu” cả hình ảnh học trò. Hiệu trưởng nơi xảy ra vụ việc chia sẻ, việc làm trên của cô giáo nhằm răn đe các học sinh vi phạm và mong muốn phụ huynh phối hợp giáo dục. Tuy nhiên, hình thức công khai thông tin, hình ảnh học sinh vi phạm trong nhóm phụ huynh lớp trên mạng xã hội là chưa phù hợp và khéo léo.

Chuyện chia sẻ thông tin học sinh lên nhóm mạng xã hội của cô giáo xứ Thanh một lần nữa nhắc nhở về tình trạng một số giáo viên hiện nay vẫn còn thiếu/yếu kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội. Thực tế cho thấy không ít mâu thuẫn, căng thẳng giữa giáo viên với nhau, với ban giám hiệu, phụ huynh, thậm chí với học sinh… cũng xuất phát từ những phát ngôn, thông tin trên mạng xã hội, các nhóm Zalo, Facebook… có liên quan đến thầy cô.

Cách đây không lâu, tại TPHCM từng xảy ra việc giáo viên kéo nhau ra tòa xuất phát từ những thông tin, phát ngôn trên Facebook. Sự việc bắt đầu khi một thầy giáo đăng tải trên trang cá nhân, ám chỉ hai giáo viên cùng trường làm lộ đề thi giữa kỳ cùng nhiều bình luận được cho là thiếu văn hóa, vu khống, xúc phạm. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh và đời sống, một trong hai giáo viên bị ám chỉ nói trên đã khởi kiện thầy giáo phát ngôn trên Facebook ra tòa và thắng án.

Hay sau chuyện một nữ sinh lớp 10 ở An Giang vì uất ức trước hình thức kỷ luật của nhà trường đã uống thuốc tự tử, hiệu trưởng và một hiệu phó của trường bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Giữa lúc mọi việc đang “nóng”, học sinh còn nằm viện, gia đình bức xúc thì một cô giáo của trường đã đăng lên Facebook cá nhân những lời bóng gió về vụ việc, trao đổi với người khác với thái độ mỉa mai. Hành động của cô như “đổ thêm dầu vào lửa”, càng khiến sự giận dữ của cộng đồng mạng với nhà trường thêm sôi sục.

Mạng xã hội đã giúp giáo viên, học sinh nhiều lợi ích trong dạy học và giao tiếp. Tuy nhiên, đó là một công cụ phức tạp, như con dao hai lưỡi, nên bất kỳ ai trước khi sử dụng cũng cần đọc kỹ “hướng dẫn sử dụng”. Với thầy, cô giáo, lại càng cần ý thức cao, cẩn trọng, thông minh hơn mỗi khi chia sẻ một bức ảnh hay một status (dòng trạng thái) nào đó. Bởi những chia sẻ của giáo viên có thể ảnh hưởng không nhỏ đến học trò và bản thân, làm môi trường học đường bớt xanh.

Liên quan đến sử dụng mạng xã hội chúng ta đã có Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội… Nhiều trường học còn xây dựng riêng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để hạn chế tối đa những hành vi kém văn hóa, không đúng pháp luật của người dùng, cũng như khuyến khích lan tỏa các giá trị tốt đẹp và tích cực đến cộng đồng.

Thế nhưng thực tế vẫn còn không ít thầy cô chưa ngấm, chưa thấm, dễ dãi chia sẻ thông tin, phát ngôn thiếu kiểm soát, đăng hình ảnh nhạy cảm trong đời sống, sinh hoạt cá nhân, làm ảnh hưởng đến hình tượng người thầy, gây bức xúc trong xã hội.

Thầy cô chuẩn mực thì học sinh sẽ chuẩn mực. Vì thế, tăng cường truyền thông kỹ năng sử dụng mạng xã hội, Internet lành mạnh, hiệu quả cho giáo viên phải là việc làm đi trước một bước. Tại TPHCM, trước khi dạy học sinh sử dụng mạng xã hội, nhiều năm qua ngành Giáo dục chú trọng đến việc tập huấn kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn cho đội ngũ giáo viên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến văn hóa phát ngôn, chia sẻ thông tin. Đó là cách làm cần được nhân rộng.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn hóa phát ngôn