Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng tan máu như khiếm huyết hệ thống miễn dịch, bệnh lý tự miễn, do thuốc, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm, hóa chất. Việc phát hiện sớm và chính xác tan máu giúp điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não và nội tạng dẫn đến tử vong.
Các bệnh nhân bị ngộ độc được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK Lạng Sơn.
2. Cần lưu ý gì khi chế biến và sử dụng nguyên liệu tạo màu thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc?
Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, BS. Nguyễn Thành Đô khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt. Nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không sử dụng đồ đông lạnh quá lâu. Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu. Khâu chế biến thực phẩm đặc biệt quan trọng, đảm bảo chế biến đồ ăn kỹ, ăn chín uống sôi. Vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn.
Đối với việc chế biến và sử dụng nguyên liệu tạo màu thực phẩm trong nhân dân, BS. Nguyễn Thành Đô lưu ý: Với đặc thù địa hình, khí hậu của vùng miền núi phía Bắc, Lạng Sơn có thảm thực vật dồi dào, nhiều loại cây, cỏ đa dạng về hình thái, tính chất, trong đó có một số loại thực vật có chứa độc tính. Vì vậy, người dân tuyệt đối không nên dùng các loại cây, cỏ không rõ nguồn gốc hay các phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo để tạo màu thực phẩm.
Chất độc trong cây cỏ không rõ nguồn gốc chứa độc tính có thể gây ngộ độc từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong cho người ăn. Cách an toàn nhất là chỉ nên dùng các nguyên liệu liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ, được kiểm chứng an toàn như: gấc, cà chua, nghệ hay loại lá đã được sử dụng lâu đời như lá cẩm, đậu biếc để tạo màu cho món ăn.
Trong trường hợp không may ăn phải thực phẩm không an toàn mà có dấu hiệu ngộ độc người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không nên chủ quan hay chậm trễ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.