Tiêu điểm 24/7

Vì sao Bộ Nội vụ đề xuất cho công chức làm việc từ xa?

Theo Hồng Đào 09/04/2025 20:46

Bộ Nội vụ cho rằng trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin nên xem xét cho một số công chức được làm việc từ xa, chú trọng hiệu quả công việc.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới đây.

Từ kinh nghiệm của các nước về xây dựng Luật công chức, Bộ Nội vụ đưa ra một số khuyến nghị cho việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức của Việt Nam.

Theo Bộ Nội vụ, các quốc gia rất quan tâm đến quyền nghỉ ngơi của công chức với số ngày nghỉ rất cao. Tại một số quốc gia, nếu công chức không nghỉ hết các ngày nghỉ quy định trong năm sẽ được cộng dồn, sử dụng trong suốt cuộc đời công chức.

Đặc biệt, công chức được nghỉ thai sản, chăm con đến 3 năm hoặc được nghỉ khi nhận con nuôi.

Vì sao Bộ Nội vụ đề xuất cho công chức làm việc từ xa?- Ảnh 1.
Chế độ làm việc từ xa có thể áp dụng với một số công việc đặc thù không phải tiếp công dân

Bộ này cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc bổ sung quy định về các ngày nghỉ, với các mục đích nghỉ như: Giải quyết việc riêng (làm thủ tục hành chính nhà đất, giấy phép lái xe, đi khám bệnh…); kéo dài thời gian nghỉ thai sản; nhận con nuôi; chăm sóc con cái, bố mẹ, anh chị em ruột ốm; tham gia các hoạt động xã hội.

Về chế độ làm việc, trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số và công dân số, Bộ Nội vụ đề xuất xem xét cho một số công chức được làm việc bán thời gian, làm việc từ xa, chú trọng vào hiệu quả công việc.

Chế độ làm việc này có thể áp dụng với một số công việc đặc thù không phải tiếp công dân; công chức phải chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già ốm yếu; và điều kiện nhà ở khu vực trung tâm đắt đỏ.

Theo Bộ Nội vụ, chế độ làm việc từ xa giúp cơ quan, đơn vị giảm thiểu chi phí về năng lượng chiếu sáng, điều hòa, máy móc, phòng làm việc. Mặt khác, công chức cũng có điều kiện chăm sóc gia đình và làm việc linh hoạt.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Bộ Nội vụ, các quốc gia thường đưa ra những yêu cầu rất cụ thể, rõ ràng về phẩm chất chính trị, đạo đức đối với công chức. Ví dụ như ở Mỹ hay Nhật, công chức khi tuyển dụng phải tuyên thệ trung thành với lợi ích Tổ quốc và tuân thủ pháp luật khi nhận chức.

Thái Lan, New Zealand quy định công chức phải trung lập về chính trị. Khi trở thành công chức, người đó không được đồng thời giữ vị trí trong các cơ quan dân cử hay tổ chức chính trị.

Vì thế, Bộ Nội vụ đề xuất khi quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng công chức Việt Nam cần cụ thể, rõ ràng, đo lường được (nhất là yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức).

Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng và ban hành quy định về đạo đức công vụ và chuẩn mực giao tiếp, ứng xử để làm căn cứ xử lý kỷ luật công chức vi phạm vấn đề này khi thi hành công vụ; chú trọng đến tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, hạn chế tình trạng công chức kiêm nhiệm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử để đảm bảo tính khách quan trong quá trình làm việc.

Theo Người lao động
https://nld.com.vn/vi-sao-bo-noi-vu-de-xuat-cho-cong-chuc-lam-viec-tu-xa-196250409093012564.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/vi-sao-bo-noi-vu-de-xuat-cho-cong-chuc-lam-viec-tu-xa-196250409093012564.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Bộ Nội vụ đề xuất cho công chức làm việc từ xa?