Thể thao tốt cho tim mạch, nhưng nếu tập sai cách, tập quá sức hoặc khi cơ thể không khỏe, người chơi vẫn có nguy cơ tử vong vì ngưng tim.
Mới đây, một người đàn ông ở Hà Tĩnh đã gục xuống sân khi đang chơi Pickleball. Dù được đưa đi cấp cứu ngay lập tức, nạn nhân được xác định đã ngừng tuần hoàn, tử vong trước khi nhập viện.
Điều đáng nói, nạn nhân có tiền sử bệnh tim mạch, thường xuyên chơi thể thao. Lý do dẫn đến tử vong được xác định là vận động quá sức trong điều kiện thời tiết nắng nóng, oi bức kéo dài nhiều ngày gần đây.
Thời gian gần đây, không ít trường hợp đau lòng tương tự đã xảy ra trên sân tập, phòng gym hay đường chạy…
Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch, Đại học Y dược TP.HCM, đột tử trong khi tập thể thao thường xảy ra ở những người có bệnh lý về tim mạch. Những người này có thể không biết mình có bệnh hoặc biết nhưng vẫn phớt lờ và tham gia.
Tạp chí y khoa New England Journal of Medicine cũng xác định, 90% ca đột tử trên đường chạy do bệnh tim mạch. Nếu nạn nhân dưới 40 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tim lên tới 99%.
Nói về cơ chế gây ra ngưng tim khi tập thể dục, PGS Nam giải thích, tim có hệ thống dẫn truyền giúp điều hòa nhịp tim. Trong một số trường hợp, nhu cầu oxy cơ thể tăng cao mà tim đập không kịp, dẫn truyền bị rối loạn sẽ làm ngưng tim ngay lúc đó.
Đối với người luyện tập thường xuyên, việc nhịp tim tăng cao có thể không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, ở những người không vận động hoặc ít vận động, nhịp tim tăng cao có thể gây rung thất, rung nhĩ. Lúc này, máu không kịp về tim cũng như đến các cơ quan khác, đặc biệt là mạch vành. Tình trạng này gây ra co thắt mạch vành, dẫn tới tử vong vì nhồi máu cơ tim cấp.
Theo đó, để tránh tình trạng ngưng tim khi tập luyện quá sức, mọi người cần khởi động kỹ, tích lũy sức bền từ từ trong thời gian dài để cơ thể có thời gian thích nghi.
PGS Nam cũng cho rằng, những người tập các môn thể thao gắng sức phải kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia luyện tập để chọn các bộ môn phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe.
"Nhiều thanh niên nhìn rất khỏe mạnh nhưng khi đo tim gắng sức hoặc siêu âm tim mới phát hiện ra bất thường về tim mạch. Nếu những người này vẫn tập luyện gắng sức mà không biết tình trạng sức khỏe của mình rất dễ ngưng tim đột ngột", PGS Nam cho hay.
Bên cạnh đó, dù không có bệnh tim hay các bệnh lý khác, mọi người cũng không nên tập luyện những môn thể thao đối kháng, tập tạ, gym... trong tình trạng mệt mỏi, bị cảm lạnh, cúm, hoặc sau khi uống rượu, bia.
Tập luyện khi cơ thể có nồng độ cồn quá cao có thể làm tăng nhịp tim và tuần hoàn máu. Khi gắng sức, nhịp tim sẽ tăng nhanh quá mức, có thể dẫn đến đột quỵ, đột tử.
Theo PGS Nam, trong trường hợp nạn nhân đang tập, đột ngột ngất xỉu, ngưng tim ngưng thở, người xung quanh cần nghiêng bệnh nhân qua một bên để đường thở thông thoáng. Sau đó, một người làm động tác hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, khi tập thể thao, nếu có dấu hiệu bất thường như hoa mắt, ngất xỉu, khó thở, đau tức ngực, đau đầu…, mọi người cần dừng ngay và báo cho bác sĩ thể thao, huấn luyện viên để khám và xử lý kịp thời.