Vì sao đường sắt Việt Nam xin nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản?

PV | 18/10/2021, 20:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ông Vũ Anh Minh, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lý giải 37 toa tàu cũ của Nhật Bản mà doanh nghiệp này xin Thủ tướng nhập về không phải đã hết hạn sử dụng. Và để nhập về, cải tạo khai thác cần 140 tỉ đồng.

Theo ông Minh, vừa qua, đối tác của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) thông báo sẽ ngừng khai thác một số toa tàu tự hành diesel DMU loại Kiha 40 và Kiha 48 để chuyển sang toa tàu có công nghệ mới hơn.

Nhật Bản không quy định niên hạn sử dụng với toa tàu và các toa tàu trên vẫn được khai thác bình thường tại Nhật Bản, bảo dưỡng thường xuyên nên còn rất tốt. Phía Nhật Bản đánh giá các toa xe này có độ an toàn cao với tỉ lệ sự cố 1-2 vụ trên 1 triệu km vận hành.

Những năm qua JR East đã chuyển giao cho Myanmar 110 toa, Philippines 139 toa, Nga 58 toa loại này để khai thác.

Hiện JR East còn hơn 60 tàu loại Kiha 40 và Kiha 48. Nếu đường sắt Việt Nam có nhu cầu họ sẽ tặng 37 toa. Ban đầu VNR đề xuất JR East hỗ trợ chi phí vận chuyển, nhưng đây không phải là hỗ trợ cấp chính phủ nên VNR phải bỏ chi phí nhập khẩu, cải tạo.

Theo ông Minh, hiện nay Việt Nam dùng tàu hỏa động lực tập trung với đầu máy kéo đoàn toa chỉ hiệu quả khi lượng khách đông, đủ tải để kéo. Nhưng ngày thường khai thác khách chỉ có 4-5 toa khiến chi phí nhiên liệu cao.

Các toa tàu Kiha 40 và Kiha 48 chạy trên khổ đường 1.067mm, khá phù hợp khổ đường ray 1.000mm của Việt Nam nên có thể cải tạo trục toa để khai thác tại Việt Nam.

Đây là những toa tàu tự hành có thể khai thác một toa hay nhiều toa nối thành đoàn tàu phù hợp khai thác quãng đường 300km trở lại. Do đó có thể khai thác linh hoạt theo chuyến, theo giờ. Ví dụ tuyến Hà Nội - Hải Phòng có thể đủ khách là chạy một hai chuyến linh hoạt theo giờ khi khai thác loại toa này.

Ông Minh cho biết để nhập 37 toa xe này về Việt Nam và cải tạo khai thác cần 140 tỉ đồng, gồm 40 tỉ đồng vận chuyển và 80 tỉ đồng hoán cải, phần còn lại là chi phí tư vấn, dự phòng, đăng kiểm. Chi phí này do VNR tự huy động.

"Giá toa tàu Kiha 40 và Kiha 48 mới là trên 30 tỉ đồng/toa. Nếu mua mới 37 toa cần trên 1.100 tỉ đồng. Trong khi 2 doanh nghiệp vận tải đường sắt hiện nay khó khăn không thể vay tiền đóng toa tàu mới" - ông Minh lý giải và cho biết nếu nhập các toa tàu của Nhật Bản về có thể khai thác được 15 năm.

Theo ông Minh, các toa tàu mà VNR xin nhập về Việt Nam có vật liệu chính chủ yếu là thép. Két dầu toa tàu nhỏ hơn tàu biển, tỉ lệ cặn ít vì xúc xả thường xuyên. Các toa tàu có vật liệu nhựa rất ít, phần thép có thể tái chế sau khi khai thác 15 năm nữa nên khả năng phát sinh rác thải không đáng lo ngại.

Đường sắt Việt Nam hiện đang sử dụng 1.030 toa xe chở khách. Trong đó có 510 toa xe dưới 20 năm; 231 toa xe từ 20 đến 30 năm; 126 toa xe từ 30 đến 40 năm; 163 toa xe trên 40 năm. Theo nghị định 65 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật đường sắt, toa tàu chở khách chạy có niên hạn không quá 40 năm. Do vậy từ 1-1-2021 VNR có hơn 200 toa tàu hết niên hạn và số toa hết hạn sẽ tăng lên hằng năm.

Do từ nay đến hết năm 2025 cần 7.000 tỉ đồng để thay thế toa tàu và đầu máy hết niên hạn nên VNR cũng xin Thủ tướng cho sửa chữa, cải tạo và khai thác các toa xe có niên hạn sử dụng lớn.

Bài liên quan
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng 7,8 triệu USD chi phí tư vấn giám sát do chậm tiến độ
Tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kéo dài làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát khoảng 7,835 triệu USD nhưng bên cho vay không đồng ý dùng vốn dư để chi trả, trong khi vốn đối ứng còn lại rất ít.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao đường sắt Việt Nam xin nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản?