Tình báo Ukraine nói rằng Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-500 tối tân tới Crimea sau các cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào bán đảo này.
Theo trang The EurAsian Times, ông Kyrylo Budanov – người đứng đầu Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine hôm 12-6 nói rằng Nga đã triển khai hệ thống phòng không hiện đại S-500 tới bán đảo Crimea.
“Chúng tôi đã nhìn thấy các đơn vị S-500 mới nhất xuất hiện ở Crimea” – ông Budanov nói.
Vì sao Nga triển khai hệ thống S-500 đến bán đảo Crimea?
The EurAsian Times không thể xác minh độc lập tuyên bố của ông Budanov, nhưng nếu đúng như vậy thì đây là lần đầu tiên hệ thống phòng không thế hệ kế tiếp S-500 được đưa vào sử dụng trong chiến đấu.
Ảnh vệ tinh hồng ngoại cho thấy cầu Kerch bị hư hỏng và các toa tàu bốc cháy ngày 8-10-2022. Ảnh: Maxar Technologies via AP
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là ông Sergei Shoigu thông báo Lực lượng vũ trang Nga sẽ nhận lô hệ thống phòng không S-500 trong năm nay.
Sau khi tuyên bố của ông Budanov xuất hiện trên truyền thông, giới phân tích quân sự cho rằng Nga có thể đang bảo vệ cầu Kerch trước các cuộc tấn công của Ukraine, do tầm quan trọng chiến lược của cây cầu. Lực lượng Ukraine đã nhiều lần nhắm vào cây cầu này.
Cây cầu chiến lược Kerch (còn gọi là cầu Crimea) nối đất liền Nga với bán đảo Crimea và thường xuyên được sử dụng để vận chuyển binh lính và vũ khí của Nga tới Crimea.
Tháng 8-2023, cầu Kerch bị hư hỏng trong một vụ ném bom lớn mà giới chức Nga cho là do Ukraine tiến hành với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh. Cuộc tấn công khiến cây cầu đóng cửa, ngưng mọi hoạt động di chuyển của các phương tiện.
Không chỉ vậy, cuối tháng trước, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine nói rằng phà Kerch tại Crimea đã bị tên lửa ATACMS tấn công. Theo các báo cáo và hình ảnh vệ tinh do Kiev công bố, 2 tàu Nga bị trúng đạn trong cuộc tấn công ngày 30-5.
Tuy vậy, việc Nga triển khai hệ thống phòng không S-500 tại Crimea có thể là nhằm đối phó các mối đe dọa lớn hơn. Theo một số nhà phân tích, việc triển khai này có thể ngăn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát.
Nhà phân tích quân sự và cựu chiến binh không quân Ấn Độ - ông Vijainder K. Thakur nói: “Khi hoạt động gần các căn cứ không quân Nga, các phương tiện thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát hiện tại của Mỹ có thể né tránh các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu Nga bằng cách di chuyển ra khỏi tầm bắn trước khi máy bay vào vị trí phóng tên lửa”.
Tuy nhiên, tầm bắn bổ sung của hệ thống phòng không S-500 sẽ buộc các thiết bị của Mỹ và NATO phải hoạt động xa hơn khoảng 100 km, làm giảm khả năng tình báo – trinh sát, ông K. Thakur lập luận thêm.
Bên cạnh đó, các thiết bị của Mỹ và NATO sẽ gặp rủi ro nếu bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga làm suy yếu khả năng dẫn đường, khiến chúng đi lạc vào phạm vi giao chiến.
Sự lợi hại của hệ thống phòng không S-500
Sau khi Nga triển khai thành công hệ thống S-400 vào năm 2007, chương trình phát triển S-500 được khởi động vào năm 2010. Thiết kế của hệ thống này hoàn thành vào năm 2011, nhưng việc sản xuất hàng loạt đã bị trì hoãn nhiều lần. Dự kiến S-500 sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2025.
Bất chấp nhiều trở ngại, hệ thống phòng không S-500 hứa hẹn sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Hệ thống này được cho có khả năng chống máy bay thế hệ thứ 5, vệ tinh bay quỹ đạo thấp và các mối đe dọa tên lửa.
S-500 được chế tạo như một sự thay thế tiềm năng cho hệ thống chống tên lửa đạn đạo A-135 hiện được đặt trong hầm chứa bên ngoài thủ đô Moscow. Thêm vào đó, S-500 còn hỗ trợ hệ thống S-400.
Hệ thống phòng không S-500 của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Trong cuộc thử nghiệm năm 2018, giới chức Nga tiết lộ hệ thống S-500 đã đánh trúng mục tiêu cách hơn 480 km.
Một trong những tính năng nổi bật của S-500 là khả năng vô hiệu hóa nhiều mối đe dọa ở các độ cao và tốc độ khác nhau. Ngoài ra, khả năng chống nhiễu điện tử mạnh mẽ giúp S-500 tăng khả năng sống sót trong các tình huống chiến đấu khó khăn cũng như đảm bảo hiệu quả ngay cả khi đối đầu với các công cụ tác chiến điện tử tiên tiến.
S-500 là hệ thống phòng không di động, được phát triển trên khung gầm BAZ-69096, gồm các xe mang phóng 10x10. Theo thông tin do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố, S-500 gồm 2 tên lửa đánh chặn 77N6 hoặc 4 tên lửa đất đối không tầm xa 40N6M được lắp trên xe phóng.
S-500 có khả năng phóng tên lửa tầm xa. Các tên lửa đánh chặn dòng 77N6 có tầm bắn khoảng 600 km, xa hơn đáng kể tên lửa tầm xa 40N6M vốn đã có tầm bắn ấn tượng 400 km.
S-500 được trang bị tổ hợp radar phức tạp, gồm 4 thiết bị radar cho mỗi khẩu đội. Những radar này bao gồm radar thu thập dữ liệu băng tần S 91N6E(M), radar thu thập dữ liệu băng tần C 96L6-TsP, radar thu thập dữ liệu đa chế độ 76T6 và radar chống tên lửa đạn đạo 77T6.
Những hệ thống radar tiên tiến trên cho phép S-500 phát hiện cả tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên tới 2.000 km và mối đe dọa trên không ở khoảng cách 800 km.
S-500 còn gây ấn tượng ở tính linh hoạt. Khả năng thích ứng và hiệu quả của hệ thống trong việc chống lại các mối đe dọa trên không đang thay đổi và được nâng cao hơn nữa nhờ khả năng triển khai nhiều loại tên lửa phù hợp các mối đe dọa và nhu cầu hoạt động nhất định.
S-500 được thiết kế để bảo vệ các trung tâm hành chính và công nghiệp bên trong lãnh thổ Nga, tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia trước các mối đe dọa trên không. Điều này có thể khiến việc triển khai S-500 gần cầu Kerch được đưa ra bàn luận vì đây là tuyến đường hậu cần rất chiến lược đối với lực lượng Nga.