Ngày càng nhiều quốc gia từ bỏ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ. Những thay đổi lớn trong chính sách đấu thầu của nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrajutatip được cho là nguyên nhân chính của việc này.
Ngày 28/5, chuyên trang sắc đẹp Missosology đưa tin tổ chức Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ sau 40 năm cử đại diện đi thi khiến nhiều khán giả bất ngờ.
Ngày càng nhiều tổ chức uy tín, lâu đời từ bỏ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ. Điều này diễn ra hàng loạt sau khi nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrajutatip lên nắm quyền điều hành Miss Universe vào năm 2022.
Đồng loạt từ bỏ bản quyền
Trước Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 5/4, Mohahang Production - đơn vị nắm bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ Campuchia đăng tải thông báo cho biết họ đã nói lời chia tay cuộc thi sau khi không được chấp thuận giấy phép.
Mohahang Production mới chỉ giành được bản quyền Miss Universe trong một mùa giải. Trước đó, bản quyền thuộc về công ty CIM. Năm 2022, CIM từng gửi hồ sơ đấu thầu bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ nhưng không được bà Anne phê duyệt.
Đại diện Thổ Nhĩ Kỳ tại Hoa hậu Hoàn vũ 2022 - Aleyna Şirin.
Gần đây nhất, tổ chức Miss Diva cũng mất bản quyền sau nhiều năm cử đại diện Ấn Độ tham dự Hoa Hậu Hoàn vũ. Glamanand Supermodel India được thông báo là đơn vị mới mua bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ ở Ấn Độ. Đây cũng là đơn vị đang giữ bản quyền Hoa hậu Hòa bình Quốc tế - Miss Grand International.
Ngày 19/2, ban tổ chức Hoa hậu Hà Lan cũng đăng tải thông cáo báo chí cho biết họ đã từ bỏ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ. Đơn vị khác là Miss Beauty Of The Netherlands đã ngay lập tức mua lại quyền cử đại diện Hà Lan tham dự Hoa hậu Hoàn vũ.
Tại châu Á, hàng loạt tổ chức uy tín, lâu năm cũng mất bản quyền Miss Universe vào tay các đơn vị mới. Điển hình là tại Indonesia và Việt Nam.
Ở Indonesia, tổ chức uy tín và lâu đời là Puteri Indonesia chấp nhận bỏ tiền gấp 10 lần để duy trì bản quyền Miss Universe nhưng vẫn bị mất vào tay đối thủ là công ty PT Capella Swastika Karya.
Ở Việt Nam, bản quyền của cuộc thi Miss Universe Vietnam được công bố thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Thương mại Hoa Hậu Hoàn vũ Việt Nam. Trước đó, công ty Cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (Unicorp) là đơn vị nắm bản quyền Miss Universe ở Việt Nam trong nhiều năm liền.
Không đáp ứng được tài chính
Gần đây nhất, tổ chức Mexicana Universal cũng mất bản quyền Miss Universe vào tay đơn vị khác. Cựu Hoa hậu Hoàn vũ 1991 Lupita Jones - giám đốc quốc gia của Mexicana Universal - cho biết không thể duy trì bản quyền Miss Universe vì không thể đáp ứng được yêu cầu về tài chính của bà Anne.
Bà Lupita cũng cảnh báo các giám đốc quốc gia khác về việc chuẩn bị tài chính vững mạnh nếu muốn duy trì bản quyền vì bà Anne và tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ đang rất cần tiền ở thời điểm này.
Cựu Hoa hậu Hoàn vũ 1991 Lupita Jones - giám đốc quốc gia của Mexicana Universal cho biết không thể duy trì bản quyền Miss Universe vì không thể đáp ứng được yêu cầu về tài chính của bà Anne.
Hiện tại, tập đoàn JKN của nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrakutatip đối mặt với cơn khủng hoảng tài chính nặng nề. Bà Anne liên tiếp bị kiện, đòi bồi thường số tiền lớn. Chính vì thế, nhiều người nhận định nữ tỷ phú tiếp tục tăng giá đấu thầu bản quyền Miss Universe để đảm bảo tài chính duy trì việc tổ chức cuộc thi trong những năm tới.
Trước đó, tổ chức Puteri Indonesia sẵn sàng chi tiền gấp 10 lần để duy trì bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ nhưng vẫn bị bà Anne quay lưng. Hoa hậu Hoàn vũ 1991 Lupita Jones bất ngờ và bức xúc khi nhiều đơn vị nắm giữ nhượng quyền Miss Universe lâu năm nhưng bị bà Anne đối xử phũ phàng. "Họ không hề nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ, những đơn vị đã ký hợp đồng với họ cả chục năm", bà Jones nói.
Lupita Jones chia sẻ quan điểm ủng hộ sự đổi mới của Miss Universe sau nhiều năm tồn tại. Tuy nhiên, bà cho rằng những đổi mới này phải hướng tới việc cải cách chất lượng cuộc thi cũng như cách đối nhân xử thế với các tổ chức nhượng quyền chứ không nên đặt vấn đề tiền bạc lên trên hết.
Khó khăn khi duy trì bản quyền
Không chỉ vấn đề tiền bạc, bà Anne liên tục đưa ra những yêu cầu mới đối với các tổ chức muốn mua bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ. Lý do lớn nhất khiến tổ chức Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ mất bản quyền được cho là đã làm phật lòng bà Anne. Nhiều năm qua, tổ chức này cử hoa hậu đi thi Hoa hậu Thế giới, còn á hậu đi thi Hoa hậu Hoàn vũ khiến bà Anne cảm thấy không được tôn trọng.
Để chứng minh danh tiếng, các cuộc thi nhan sắc lớn trên thế giới đều mong muốn các quốc gia cử những hoa hậu chính thống đến dự thi. Gần đây, tổ chức Hoa hậu Thế giới cũng ra thông báo chỉ cho những người giành chiến thắng ở các cuộc thi cấp quốc gia được phép dự thi.
Bà Anne Jakrakutatip liên tục đưa ra những chính sách độc đoán.
Những năm trước đây, tổ chức Hoa hậu Thế giới linh hoạt trong việc xét duyệt thí sinh. Họ chấp nhận những người đẹp chỉ giành ngôi á hậu hoặc những người đẹp được bổ nhiệm mà không cần tham dự cuộc thi cấp quốc gia.
Sau khi chính thức nắm quyền, nữ tỷ phú Anne cũng thể hiện tham vọng duy trì vị trí số một của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Trong chuyến công tác tại Indonesia hồi tháng 2/2023, bà Anne yêu cầu các quốc gia chỉ được cử hoa hậu đăng quang tới tham dự Hoa hậu Hoàn vũ, các á hậu không có quyền tham dự.
Thông thường, các cuộc thi cấp quốc gia sẽ cử người chiến thắng tới Hoa hậu Hoàn vũ, trong khi đó các Á hậu được cử đi thi Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu Hòa bình hay Hoa hậu Trái Đất. Tuy nhiên, với quy định mới của bà Anne, á hậu của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia không được tham dự cuộc thi khác. Ngoài ra, những người đẹp giành danh hiệu tại Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia không được phép tham dự các cuộc sắc đẹp quốc tế khác.
Những quy định này của nữ tỷ phú được cho là độc đoán, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức đang nắm bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều đơn vị quyết định từ bỏ bản quyền cuộc thi.